Ngày 2/12/2013, kết quả của một cuộc nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Pediatrics (Mỹ), làm sáng tỏ thêm những yếu tố có thể tăng nguy cơ rối loạn tăng động giảm tập trung ở trẻ (ADHD).
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra hồ sơ y tế của gần 13.000 trẻ em và người lớn, những người được sinh ra ở Tây Úc và đã sử dụng các loại thuốc kích thích như Ritalin và Adderall để điều trị chứng ADHD từ năm 2003 đến năm 2007.
Các nhà nghiên cứu tiến hành so sánh các đối tượng tham gia với hơn 30.000 trẻ em khác để tìm hiểu xem liệu có bất kỳ sự khác biệt về các yếu tố gây ADHD.
Tiến sĩ Carol Bower, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe trẻ em tại Trường Đại học Tây Úc, tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết: “So với các bà mẹ có con không bị ADHD, các bà mẹ có con bị ADHD có nhiều khả năng là còn trẻ, đơn thân, hút thuốc lá trong khi mang thai, bị một số biến chứng trong thai kỳ và sinh nở hoặc sinh non”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, các bé gái ít có khả năng bị ADHD nếu các bà mẹ đã được bổ sung hormone oxytocin để kéo giảm thời gian sinh nở. Trong khi các nghiên cứu trước đây cho rằng, việc sử dụng hormone oxytocin trong khi sinh làm tăng nguy cơ trẻ bị ADHD.
Tiến sĩ Tanya Froehlich, giáo sư tại Trung tâm Y tế Bệnh viện nhi Cincinnati (Mỹ) cho biết, nguyên nhân gây ADHD vẫn chưa được tìm hiểu rõ, mặc dù bằng chứng cho thấy gien đóng vai trò quan trọng trong việc gây nên ADHD. Nhiều nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên quan giữa trẻ bị ADHD với việc hút huốc lá, uống rượu, sinh non và các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở ở các bà mẹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng trẻ bị ADHD đã trở nên phổ biến tại Mỹ. Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 11/2013 cho thấy, 10% trẻ em Mỹ đã được chẩn đoán có các triệu chứng của ADHD.
ADHD thường phổ biến ở các bé trai. Các triệu chứng của ADHD bao gồm dễ bị phân tâm, bồn chồn, hiếu động và giảm tập trung.