Khi trẻ em bị người bố hoặc mẹ bạo lực thì trong tư duy của trẻ sẽ hình thành suy nghĩ “ai mạnh, kẻ đó thắng”. Từ đó trẻ cũng sẽ học cách giải quyết tranh chấp bằng bạo lực, lớn lên có thể chính những trẻ này sẽ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với người khác.
Mẹ mắng chửi con nhiều hơn bố
Cháu Lâm Anh, 10 tuổi ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là khách hàng của đường dây tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) cho biết, trong nhà mẹ và bà ngoại là người hay mắng cháu nhất. Bố của Lâm Anh là bộ đội thường xuyên vắng nhà. Mẹ là giáo viên cấp 2 dạy môn địa lý. Lâm Anh thường xuyên ở nhà với mẹ và bà ngoại. Lâm Anh kể: Lúc nào bà và mẹ cũng mắng cháu vô tích sự, lười như hủi, ý thức kém. Bà cũng như mẹ, mỗi lần dạy cháu học thì nổi điên lên, cốc vào đầu cháu rất đau. Cháu rất chán mỗi khi ở nhà…
Mặc dù chán ở nhà nhưng đến trường Lâm Anh lại là đứa trẻ hay gây gổ và đánh các bạn. Ths tâm lý Nguyễn Hồng Lê, chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết: Trong quá trình tư vấn, chị đã phát hiện thấy sự việc có tính chất “nhân – quả” này. Cháu Lâm Anh đã học từ mẹ và bà ngoại việc giải quyết mâu thuẫn, khẳng định uy quyền của mình bằng bạo lực.
Một trường hợp trẻ bị bố mẹ mắng chửi khác là cháu T ở Sơn Tây. Mẹ của cháu T là chị Hồng, là khách hàng của Văn phòng tham vấn Gia đình và Trẻ em Vala (Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam). Thấy con học kém, chị Hồng đã đưa cháu T đến Văn phòng Vala để được tư vấn, hỗ trợ phương pháp học tập. Tại đây, Văn phòng đã phát hiện cháu T thường xuyên bị chính mẹ chửi mắng. Chị Hồng đã “tự thú” với bà Nguyễn Lâm Thúy, chuyên gia tư vấn của Văn phòng rằng: Chồng chị gần như giao hết việc gia đình, nuôi dạy con cái cho chị. Nhiều khi vì căng thẳng nên chị đã không kiềm chế được, thường hay dồn tức giận lên đầu con. Có lần chị quẳng cả đĩa cánh gà vì con không chịu ăn, có lần xé cả sách vở của con vì dạy mãi mà cháu T không hiểu bài… Mặc dù rất thương con nhưng vì quá căng thẳng, chị Hồng đã khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ.
Trẻ em có tỷ lệ bị bạo lực cao
Tại Hội thảo đối thoại “Chuyển hóa bạo lực” được tổ chức giữa tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, anh Phạm Quốc Nhật, chuyên viên Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL cho rằng, có thể đối tượng chính bị bạo lực gia đình là trẻ em chứ không phải là phụ nữ.
Anh Nhật đã cung cấp thông tin từ một cuộc nghiên cứu khoa học do Bộ VH,TT&DL thực hiện đã được nghiệm thu cấp cơ sở cho biết, trẻ em có tỷ lệ bị bạo lực cao nhất và người gây bạo lực chính là cha mẹ của các em. Trong đó tỷ lệ các bà mẹ mắng chửi con cao hơn bố.
Mắng chửi là một hình thức bạo lực tinh thần, đây cũng là hình thức bạo lực phổ biến hiện nay. Song, tại Tổng đài tư vấn, hỗ trợ trẻ em của Bộ LĐ,TB&XH thì việc trẻ em bị bố mẹ mắng chửi không được xếp vào nhóm bị bạo lực gia đình. Tình trạng này được xếp vào vấn đề quan hệ ứng xử của bố mẹ với con cái. Điều đáng nói là tổng số các cuộc gọi về vấn đề quan hệ ứng xử của bố mẹ với con cái tại Tổng đài lúc nào cũng chiếm trên 50% tổng số cuộc gọi.
Theo anh Nhật, lâu nay công tác truyền thông về bạo lực gia đình bị cuốn theo hình thức đổ lỗi cho ai đó và coi phụ nữ là nạn nhân chính. Thực tế, trẻ em mới chính là đối tượng bị bạo lực cao nhất. Trong gia đình, trẻ thường bị người lớn hơn như bố mẹ, ông bà, anh chị bạo lực. Đến lớp có nguy cơ bị bạn bè lớn hơn, thậm chí là thầy cô giáo bạo lực.
Cũng theo anh Nhật, bạo lực gia đình tồn tại là có yếu tố “văn hóa bạo lực” được bám rễ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, ngoài ra còn có sự hạn chế về kỹ năng sống. Do vậy, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình phải giải quyết từ cái gốc văn hóa, chúng ta không nên tìm cách đổ lỗi cho nam hay nữ là đối tượng chính gây bạo lực gia đình. Giáo dục từ gia đình và nhà trường phải hướng đến những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ giữa người với người bằng sự bao dung, sự công bằng, sự tôn trọng, bằng lý lẽ không nên giải quyết bằng quyền lực, sức mạnh.