Người mẹ tương lai càng xây nhiều “lâu đài cát”, càng thích những hình ảnh người ta nghĩ ra, càng khó mường tượng được cuộc sống sau khi bé ra đời. Vì sự ra đời của bé – đó không chỉ là hạnh phúc, sự âu yếm và tiếng bập bẹ vui vẻ, nó còn là sự thiếu ngủ thường xuyên, những vấn đề về sức khoẻ sau khi sinh và bệnh tật của bé… Bạn có lường hết được những khó khăn ấy?
Khó khăn thứ nhất
Cho con bú mẹ. Xung quanh chuyện cho con bú có rất nhiều ngộ nhận. Một số người cho rằng cho con bú rất dễ, vì đó là chức năng thiên bẩm của người phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ phụ nữ cho con bú dễ dàng từ những ngày đầu tiên sau khi sinh không cao.
Đa số các bà mẹ gặp phải vấn đề không đủ sữa, vết nứt trên núm vú, tắc sữa… Thật đáng tiếc, vì những nguyên nhân này nhiều phụ nữ đã ngừng cho con bú, chuyển sang cho bú bình dùng sữa công thức.
Cho con bú là một thách thức lớn đối với phụ nữ lần đầu sinh |
Giải pháp cho bạn: Trước hết, cần có tâm trạng lạc quan: cố gắng nghĩ là bạn sẽ làm được. Nhưng trong thâm tâm phải hiểu rằng, sẽ gặp khó khăn – để tránh thất vọng. Trong trường hợp cần thiết, bạn lúc nào cũng có thể xin tư vấn của các bác sĩ về việc bú mẹ. Các chuyên gia sẽ giúp bạn giải quyết bất cứ vấn đề gì: các phương pháp tăng tiết sữa, “làm mềm” ngực do tắc sữa…
Khó khăn thứ hai
Nhiều bà mẹ do không được chuẩn bị cho vai trò mới, thường trút tất cả khó chịu, bất bình lên đầu chồng. Khi vừa phải lo cho bé, vừa lo việc nhà, nhiều phụ nữ mất bình tĩnh vì đó là một công việc suốt cả ngày lẫn đêm không một phút nghỉ ngơi.
Nhiều khi còn không có cả thời gian ăn uống đàng hoàng hoặc gội đầu nữa, không nói tới chuyện xem một chương trình truyền hình mình thích hoặc nói chuyện điện thoại với bạn thân. Người phụ nữ cảm nhận sự cô đơn, như bị nhốt trong bốn bức tường và cô ấy có cảm giác chồng không hiểu tất cả những phức tạp của tình trạng này và không ủng hộ cô ấy.
Nhưng vào thời điểm em bé ra đời, các ông chồng cũng cảm nhận được một áp lực rất lớn, trách nhiệm và ý chí thành đạt trong công việc, kiếm nhiều tiền hơn, sợ bị đuổi việc. Vì vậy, những tháng đầu tiên sau khi bé sinh ra có thể gây stress mạnh cho cả hai vợ chồng.
Trong năm đầu tiên sau khi sinh con, nhiều người vợ đã nghĩ tới chuyện li dị không chỉ một lần. Và điều này là bình thường? Những ý nghĩ như vậy không có nghĩa là quan hệ rơi vào tình trạng không có lối thoát. Đơn giản là việc làm quen với tình trạng mới nhiều thử thách đã ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng. Nhưng bạn hãy tin, chỉ sau vài tháng, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, và những rạn nứt (nếu có) sẽ tan biến.
Giải pháp cho bạn: Hãy nhớ rằng chồng bạn cũng lo lắng, làm tất cả những gì phụ thuộc vào bản thân để bạn và bé được hạnh phúc. Đừng quên chia sẻ với chồng những lo lắng, sợ hãi: đôi khi có thể phàn nàn, và dĩ nhiên, cần yêu cầu giúp đỡ. Chồng bạn hoàn toàn có thể đi chơi với bé hoặc nấu một bữa trưa để bạn có thể nghỉ ngơi một chút. Hơn nữa, chồng bạn càng chăm con nhiều, sự gẫn gũi, gắn bó với con càng lớn.
Khó khăn thứ ba
Bạn không biết công việc sẽ như thế nào. Đối với nhiều bà mẹ, quyết định đi làm lại thật khó. Một mặt, người phụ nữ cảm thấy tự ti khi không được tiếp tục làm việc, kiếm tiền và thăng tiến. Mặt khác, người mẹ có cảm giác có lỗi với đứa trẻ không muốn rời xa mẹ, và với cả thủ trưởng vì phải xin nghỉ con ốm và hạn chế giờ làm việc. Kết quả là, người mẹ có con nhỏ đi làm phải “chia mình” ra, cố gắng cho kịp mọi nơi, mọi việc. Còn những người mẹ trẻ không đi làm thì lo sự hạn chế tiếp xúc, có cảm giác cuộc sống đi ngang qua mình, bỏ rơi mình.
Giải pháp cho bạn: Những người mẹ mà quyết định đi làm trở thành “cơn đau đầu” có thể nhận công việc tự do, làm ở nhà hoặc tìm việc không gò bó về thời gian. Trong bất cứ trường hợp nào, cũng không nên dựng kế hoạch triển vọng lâu dài, hãy nói với chính mình: “Một hai năm làm việc như vậy, sau đó sẽ tính”. Như vậy, dễ xoay xở với tình huống hơn và có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào.
Khó khăn thứ tư
Bạn có cảm giác càng ngày càng phát phì. Xem tạp chí thấy những người phụ nữ sành điệu, thon gọn, sexy bạn cảm thấy chạnh lòng. Trước khi mang thai, nhiều phụ nữ tin rằng, sau khi sinh, họ sẽ nhanh chóng trở lại hình thể cũ và chui vào được những chiếc quần mặc trước khi mang bầu.
Chính vì vậy, họ đã thấy thất vọng khi thấy việc giảm cân sau sinh không hề đơn giản chút nào. Ngoài việc thừa cân, những người mẹ trẻ còn gặp những vấn đề khác như: “hình sao” mạch máu, cơ giãn, ven nổi, rụng tóc… Tất cả những cái đó có thể gây stress cho người phụ nữ, làm mờ đi niềm vui làm mẹ.
Sau khi sinh họ có cảm giác ngày càng phát phì và rơi vào tâm trạng thất vọng khi thấy việc giảm cân không hề dễ |
Giải pháp cho bạn: Khi mang bầu cơ thể tăng cân nhiều. Thông thường trong vòng từ 6 tới 12 tháng sau khi sinh con, cơ thể hồi phục lại, và có lại đường nét cũ. Dần dần chúng ta sẽ giảm cân và “trở về chuẩn mực” của mình. Vì thế, hãy kiên trì và đừng ăn uống vô độ, chỉ nên ăn đủ chất dinh dưỡng để nuôi con.
Cố gắng hoạt động nhiều hơn: khi đi dạo ngoài trời với bé, đừng ngồi một chỗ mà nên đi lại – đó là bài tập rất tốt. Còn về những vấn đề khác, sau khi cai sữa, hãy đến bác sĩ thẩm mỹ để tư vấn – bác sĩ sẽ chỉ bảo cần làm gì. Và đừng lo chồng bạn sẽ chán bạn: chắc anh ấy cũng không nhận biết bạn đã thừa mấy cân đâu.
Khó khăn thứ năm
Ước muốn hoàn thiện. Sự ra đời của bé xuất hiện bao nhiêu nhiệm vụ mới mà những việc “cũ” cũng vẫn còn đó. Thành ra, gánh nặng gấp đôi và trách nhiệm gấp đôi. Nhiều bà mẹ trẻ, nhận thức được trách nhiệm này, cố gắng trở thành một người vợ hiền, một người mẹ biết lo lắng, một bà nội trợ tốt. Nhưng học cách phối hợp bao chức năng như vậy thật khó. Và những phụ nữ quá cố gắng không ít khi nổi khùng.
Giải pháp cho bạn: Không nên lo lắng quá, tất tưởi quá, hãy cố gắng thư giãn. Cuối cùng thì bạn cũng không phải là người mẹ xấu, nếu để bé nằm một mình trên thảm chơi đung đưa chân một chút. Không cần phải luôn thao thao bất tuyệt với bé, đọc thơ, hát cho bé nghe. Cái gì cũng có chừng mực. Thỉnh thoảng bé có thể tự chơi, xem chiếc điện thoại đồ chơi hay nghe nhạc.
Nếu bạn cảm thấy mệt, việc nên làm là nằm ngủ một – hai tiếng cùng bé, còn hút bụi hay là quần áo thì chồng bạn có thể làm được. Điều quan trọng là bạn đừng quên yêu cầu anh ấy giúp đỡ và giữ bình tĩnh – chồng và bé của bạn cần một người vợ – một người mẹ bình tâm hơn là một “robot” lắc lư, kiệt sức đến rã rời.
“Cô ấy vất vả quá, ngủ không đủ, cô ấy cần được giúp đỡ..“. Thế bố của bé có ngủ đủ không và có gặp khó khăn không – ít người nghĩ tới điều này. Nhiều ông bố trẻ làm việc suốt ngày nơi công sở, ban đêm cũng bị thức giấc vì tiếng trẻ khóc, và còn tham gia vào việc cho con ăn, ru con ngủ nữa… Điều quan trọng nhất là sự quan tâm, thông cảm và chia sẻ của hai người với nhau.