Khi con trai học lớp 9 thông báo nhà trường sẽ tổ chức đi du lịch biển Cần Giờ, anh Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) gạt phắt vì ký ức đau buồn trong một lần đi tắm biển cùng bạn hồi cấp hai vẫn ám ảnh.
Ngày đó, sau khi thi tốt nghiệp cấp 2, anh cùng các bạn tổ chức một buổi đạp xe ra biển Giao Thủy (Nam Định) chơi. Lúc xin phép bố mẹ đi, anh phải nói dối là do nhà trường tổ chức để ông bà đồng ý. Vì anh không biết bơi nên bố mẹ dặn dò rất kỹ không được xuống nước. Tuy nhiên, đến nơi cả lớp thuê được mấy chiếc phao và vì sĩ diện nên anh và mấy cậu bạn không biết bơi vẫn kéo nhau đi tắm biển. Cả bọn chia nhau mỗi phao ba đứa bơi chung. Ham vui, anh cùng các bạn kéo phao ra rất xa bờ. Một cơn sóng to đánh bật cả ba đứa ra khỏi phao bơi. May mắn hai người được cứu sống còn một người đã ra đi mãi mãi.
Vì thế, mỗi khi con trai muốn đi dã ngoại vùng sông nước cùng bạn bè anh đều không đồng ý. Bé chỉ có thể đi biển hay các vùng hồ nếu có bố mẹ đi cùng. Anh lo sợ đến nơi ham vui, con sẽ quên lời dặn của cha mẹ. Cách tốt nhất chính là không tạo điều kiện cho sự việc xảy ra. Tuy nhiên, nếu chuyến đi là tham quan các di tích lịch sử hay các danh thắng trên cạn thì anh vẫn cho con đi.
Chị Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) lại không muốn cho con đi dã ngoại cùng trường vì không tin vào sự quản lý của thầy cô. Nếu lần nào bận việc không thể tham gia cùng con thì chị đều để bé ở nhà. Chị còn nhớ lần Su Su mới 5 tuổi, được đi thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến đi có khoảng 10 người lớn và 60 bé. Qua những quầy lưu niệm, mấy cô giáo trẻ sà vào ngắm nghía và mua bán làm chị rất ngạc nhiên. May không có bé nào bị lạc hôm đó. Lần đấy chị không tin tưởng khi cho con đi cùng lớp học. “Bọn trẻ hiếu động, các cô cũng chỉ có hai mắt, làm sao quản lý hết được. Hôm nào một mình phải trông cả con và hai đứa cháu là tôi đã không dám cho chúng ra chỗ đông người”, chị chia sẻ.
Sau sự việc 7 học sinh bị chết đuối khi đi tắm biển cùng nhà trường xảy ra ở Cần Giờ (TP HCM), nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến không muốn cho con đi dã ngoại cùng trường vì sợ thầy cô không quản lý nổi. Độc giả Đinh Lai viết: “Trong chuyến đi chơi, dã ngoại, du lịch…, các trường thường tổ chức sơ sài, ít quan tâm đến sự an toàn, vệ sinh thực phẩm của trẻ. Khi trường tổ chức đi chơi thường chỉ thấy thông báo đóng tiền, lịch trình đi mà không thấy kế hoạch bảo vệ các em”.
Độc giả Quang Trung cũng cho rằng, nhà trường không nên tổ chức cho học sinh còn nhỏ đi biển vì đông và rất khó quản lý. Theo anh, chỉ nên cho các em đi tham quan, dã ngoại thiên nhiên, bảo tàng, công viên… Đi tắm biển quá nguy hiểm. Anh nhớ lại năm 1996, hồi anh học lớp 6, nhà trường tổ chức tham quan Yên Tử với mục đích phục vụ thầy cô đi lễ chùa là chính. Vậy mà họ cho cả mấy trăm học sinh đi. May mà chuyến đó không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra.
Không ít phụ huynh lại cho rằng cần để con tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dạy con cách tuân thủ kỷ luật tập thể, những kỹ năng cơ bản để tự vệ trong tình huống nguy cấp. Chuyến đi Phan Thiết hai ngày dịp hè vừa qua của trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (Tân Bình, TP HCM) được đông đảo học sinh và phụ huynh khen ngợi vì trường có biện pháp giám sát học sinh rất cụ thể và an toàn. Mỗi xe chở học sinh đều có 2 giáo viên và các nhân viên nhà trường đi cùng để quản lý. Suốt chuyến đi, các thầy cô thường xuyên điểm danh ở bất kỳ mỗi lần lên xe, xuống xe, dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi…
Khi tổ chức cho học sinh tắm biển, nhà trường đã tăng cường lực thêm lượng bảo vệ và cứu hộ. Các thầy cô quản giáo cùng bảo vệ khu du lịch, hướng dẫn viên… đã lập thành “hàng rào” đứng chặn bên ngoài để giới hạn vùng tắm, không cho học sinh tắm vượt khỏi khu vực đó. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, nhà trường cũng chọn những khu vực tắm ít xảy ra nguy cơ.
Trường THCS Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng thường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại một lần mỗi năm. Trước chuyến đi, mỗi học sinh được phát một bản kế hoạch chi tiết và mang về cho phụ huynh duyệt. Phải có chữ ký đồng ý của phụ huynh thì học sinh đó mới được đi. Nhà trường không đưa việc tham gia hoạt động dã ngoại vào tiêu chuẩn để đánh giá hạnh kiểm học sinh.
Để đảm bảo an toàn, các thầy cô luôn chọn địa điểm đáp ứng các tiêu chí: đi về trong ngày, không cách trường quá 70 km, đường đi không xấu, không gập ghềnh, ít đồi núi và xa sông nước. Trong những chuyến đi này, tất cả giáo viên chủ nhiệm phải tham gia, ngoài ra có thêm một giáo viên bộ môn đi cùng để quản lý học sinh. Trường cũng luôn khuyến khích phụ huynh đi cùng.
Ngoài ra, để chuyến đi được suôn sẻ, trường Quảng An cũng ký hợp đồng với một công ty du lịch uy tín. Công ty du lịch có trách nhiệm mua bảo hiểm cho học sinh đề phòng những trường hợp tai nạn.