Tôi đang rất lo lắng khi gần đây phát hiện cậu con trai 13 tuổi lấy cắp tiền (200 nghìn đồng) trong ví của mình. Thật sự tôi sốc vì lâu nay con tôi rất ngoan, biết nghe lời và chưa làm điều gì khiến gia đình buồn lòng cả. Tôi rất bối rối không biết nên ứng xử với con như thế nào. Liệu đây có thể trở thành thói quen hoặc tính xấu của cháu sau này hay không? Mong chuyên gia gỡ rối. (Minh Nguyệt)
Trả lời
Chào chị,
Trước tiên, tôi rất chia sẻ trước nỗi lo lắng, hoang mang của chị khi đối diện với sự thay đổi theo chiều hướng không tốt của con. Là người mẹ, hẳn không ai không muốn con cái mình trở thành những người tốt, có nhân cách và đạo đức chuẩn mực và tương lai sẽ có ích cho xã hội. Tuy nhiên, để có được điều đó không phải tự nhiên và dễ dàng, tất cả đều đòi hỏi ở các bậc làm cha, làm mẹ sự kiên nhẫn, bao dung và những kiến thức cần thiết để giáo dục con đúng cách.
Với chị, tôi nghĩ mọi chuyện cũng chưa có gì là nghiêm trọng bởi con trai chị cũng mới bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý và đòi hỏi các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm sát sao hơn. Việc cháu lấy trộm tiền của bố mẹ, có thể là một cú sốc với chị bởi chị đang nhìn nhận hành động đó xấu xa, đáng phê phán. Tuy nhiên ở góc độ con trai chị, cháu chỉ nghĩ đơn giản là cháu đang cần tiền và thấy ở đâu có thì cháu lấy để đáp ứng nhu cầu của mình. Cháu chưa thật sự ý thức được đó là hành vi xấu, đáng phê phán bởi vậy cháu rất dễ dàng làm điều đó khi có điều kiện.
Trên thực tế cũng có không ít trẻ rơi vào trường hợp lấy tiền của bố mẹ như con chị. Chị cũng biết rằng, ở lứa tuổi con chị, trẻ bắt đầu phát sinh nhiều nhu cầu, sở thích như ăn uống, tiêu pha, mua quà cho bạn bè… trong khi trẻ lại không có tiền. Khi có nhu cầu tiêu mà không có tiền trong túi, rất nhiều trẻ đã rơi vào tình huống lấy tiền của người khác để thoả mãn nhu cầu của mình.
Để xử lý triệt để tính xấu này, các bậc cha mẹ trước hết cần bình tĩnh, sáng suốt, tránh nóng nảy dẫn đến chửi bới, mạt sát hoặc đánh đập trẻ. Cha mẹ cần nói chuyện nhẹ nhàng, ôn hoà với con và chủ động hỏi về việc con lấy tiền làm gì, với mục đích cụ thể như thế nào. Sau khi nghe con nói rõ mục đích sử dụng tiền, cha mẹ cần xét xem nhu cầu đó của trẻ có chính đáng không.
Nếu việc sử dụng tiền vào những mục đích chính đáng thì cha mẹ nên có sự phân tích cho con hiểu rằng, cha mẹ tôn trọng những nhu cầu của con, tuy nhiên khi con không có tiền thì con cần xin cha mẹ chứ không nên tự lấy tiền như vậy. Cha mẹ cần nhấn mạnh đó là hành động không tốt, dễ khiến người khác có những đánh giá xấu về con.
Khi con có hành động không tốt thì cha mẹ chỉ nên xem xét, xử lý lỗi đó của trẻ chứ tuyệt đối không nên hạ thấp trẻ, đánh giá xấu về tư cách của trẻ. Điều đó sẽ giúp trẻ không cảm thấy bị mặc cảm, xấu hổ, tự ti dẫn đến những phản ứng lì lợm, chai sạn cảm xúc.
Để tránh cho con trẻ nảy sinh thói xấu này, cha mẹ cũng cần lưu ý đến những nhu cầu thiết thực của con, đáp ứng những mong muốn chính đáng của con, đồng thời quản lý chặt chẽ tiền bạc để tránh tạo điều kiện cho con trẻ làm điều xấu.
Cha mẹ cũng có thể giúp con kiếm tiền một cách chính đáng từ lao động của bản thân. Ví dụ như có thể thoả thuận với trẻ rằng khi trẻ giúp bố mẹ làm việc nhà thì bố mẹ sẽ trả công cho trẻ. Đây cũng là cách tốt để dạy trẻ về giá trị lao động cũng như dạy cách giúp trẻ biết tiết kiếm và sống có trách nhiệm với mọi người xung quanh. Số tiền kiếm được trẻ có thể bỏ lợn, tích luỹ hoặc sử dụng như một quỹ riêng. Dù vậy, cha mẹ cũng cần sát sao đối với việc tiêu tiền của trẻ sao cho mọi khoản chi của trẻ là phù hợp và chính đáng.
Chị Nguyệt thân mến, trên đây là một số cách chị có thể tham khảo để qua đó tìm ra cách giáo dục, dạy dỗ con sao cho hiệu quả nhất. Chúc chị và gia đình nhiều niềm vui và sức khoẻ. Thân.