Cho dù trẻ đang thừa cân, thiếu cân hay đủ cân, các bà mẹ Việt vẫn không bao giờ thôi lo lắng về chuyện ăn uống của con. Tâm lý nuôi con phải làm thế nào cho bé ăn được nhiều, lớn thật nhanh đã khiến nhiều mẹ Việt mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến việc chán ăn của trẻ.
Khuyến khích con phải ăn “hết bát”
“Ăn hết đi, đừng có bỏ thừa” là quan niệm của rất nhiều chị em. Đối với mẹ Việt, cỉ khi thấy bát cơm của con sạch bong không còn một hạt thừa, lúc đó mới có thể “thở phào nhẹ nhõm”.
Thực ra, ta nên biết rằng hầu hết các đứa trẻ khỏe mạnh và bình thường đều ăn khi đói và dừng lại khi cảm thấy no. Các bé tuân theo phản ứng cơ bản của tự nhiên mà mẹ không nên “gây rối” qui luật đấy bằng cách cứ giục con cố ăn nốt cho hết. Dạy trẻ tự biết điều chỉnh và ngừng khi no sẽ tạo lập cho bé một mối quan hệ thoải mái với thực phẩm và tránh ăn quá nhiều khi chúng lớn lên.
Người lớn chúng ta thường có thói quen ăn hết bát. Bất kể bát phở bưng ra là ít hay nhiều hơn khả năng ăn, chúng ta vẫn thường ăn hết rồi mới đứng dậy. Cách ăn này khiến nhiều người rơi vào tinh trạng béo phì, thừa cân và đau dạ dày.
“Đổi chác” với miếng ăn của con
Để giục con ăn hết bát cơm, nhiều cha mẹ thường nghĩ cách “treo thưởng” rằng “Con ăn hết bát này đi thì mẹ cho ăn kẹo” hoặc “Con ăn rau thì lát mẹ cho ăn kem tráng miệng”. Thật không may, cách làm này khiến trẻ nhỏ càng hiểu rằng cơm và rau rất chán và không ngon đến mức phải treo thưởng một món hấp dẫn khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, càng “đổi chác” miếng ăn với con, trẻ sẽ càng có “ác cảm” với các món ăn và trở nên kén cá chọn canh.
Cho con ăn trước rồi cả nhà ăn sau
Rất nhiều chị em vì để cả gia đình có thể tập trung ăn uống mà thường cứ trước bữa ăn lại xếp riêng một bát ô tô cơm rau thịt rồi xúc cho con hoặc để con ngồi ăn trước. Cách làm này sẽ khiến trẻ cảm thấy thức ăn rất vô vị và buồn chán. Không ai muốn ăn một mình và trẻ nhỏ cũng vậy. Được ngồi ăn chung với bố mẹ sẽ giúp bé ăn uống hứng khởi hơn, nhìn thức ăn cũng hấp dẫn hơn vì thấy bố mẹ cũng đang ăn. Đừng cô lập và bắt trẻ ă một mình
Cấm hoàn toàn con khỏi quà vặt và bánh kẹo
Đồ ngọt và quà vặt không tốt cho trẻ nhưng một số cha mẹ lại cực đoan đến mức không để con nếm dù chỉ 1,2 miếng. Hạn chế là đúng nhưng cấm thì là sai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên bị cấm ăn bánh kẹo sẽ tìm cách trốn ăn và nếu có cơ hồi sẽ ăn nhiều hơn mức cho phép. Như vậy không những có hại cho trẻ mà còn gián tiếp đẩy bé đến thói quen dối trá, lén lút bố mẹ. Việc thỉnh thoảng mua cho con bim bim sau giờ học hay để con ăn kẹo sau khi ăn cơm không quá “tai hại”. Trẻ con nên được nếm và biết tất cả những loại thực phẩm có thể ăn được.
Món nào con ghét ăn thì thôi bỏ
Khi cho bé làm quen với một món ăn mới, nếu thấy con lắc đầu, nhè hay gào khóc không chịu ăn, ngay lập tức chúng ta kết luận rằng bé ghét ăn món đó. Thực tế không phải như vậy. Các chuyên gia nói rằng trẻ sơ sinh cần phải được làm quen với một loại thực phẩm từ 15-20 lần mới có thể hình thành sự yêu thích hay ghét bỏ. Nếu mẹ chỉ mới bắt đầu cho con thử ăn 1,2 lần không thành công, đừng vội kết luận bé ghét món đó.
Trong giai đoạn đầu cho bé tập ăn dặm, mẹ sẽ quan sát thấy rất nhiều biểu hiện buồn cười của con như nhăn mặt, thậm chí mím môi, từ chối mở miệng để mẹ đút ăn. Đó đơn giản chỉ là lúc bé đang tập cảm nhận kết cấu và hương vị mới của món ăn. Hãy nhớ rằng em bé mới chỉ quen với việc bú sữa trong suốt 6 tháng và chưa từng gặp bất cứ loại thực phẩm nào khác bao giờ nên khi bắt đầu ăn dặm, chắc chắn sẽ có chút bối rối.
Hãy cất món ăn mà bé không hợp tác vào tủ lạnh và có thể thử cho bé ăn vào một lúc khác, với lượng nhỏ và phù hợp.
Buổi sáng để con vừa đi vừa ăn
Ngày nay trên đường phố sẽ không hiếm thấy cảnh em bé ngồi sau xe máy của bố mẹ, vừa gật gù ngủ gật vừa gặm bánh mỳ trên đường. Vừa đi vừa ăn hoàn toàn không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, chưa kể những vi khuẩn bụi bặm trên đường bám vào đồ ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Mẹ hãy đánh thức con sớm hơn 15 phút so với dự định để con có thời gian tỉnh ngủ và có tinh thần sảng khoái chuẩn bị cho bữa sáng – bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.