Nhiều cha mẹ thấy con khó ngủ do đói sữa hay do thói quen thèm sữa, đã đáp ứng ngay cho bé một bình, một ly sữa để giấc ngủ của con bình yên trở lại. Có ai ngờ, đây chính là thói quen gây hại cho men răng trẻ.
Axít do sự lên men từ sữa sẽ ứ đọng trong khoang miệng, bào mòn răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, gây sâu răng. Ngoài ra, nguyên nhân sâu răng còn do vệ sinh răng miệng kém, do thức ăn, thức uống (đường và chất chuyển hóa thành đường, thức ăn thức uống chứa axít).
Với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, bệnh sâu răng không được điều trị sẽ gây đau đớn, giảm chức năng răng miệng, giới hạn hoạt động hằng ngày của trẻ, có thể khiến giấc ngủ trẻ không tròn, dinh dưỡng không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.
Bệnh lý răng miệng còn khiến trẻ mất tập trung khi học, giảm khả năng tiếp thu và phát triển trí tuệ, giới hạn ngôn ngữ. Trẻ cũng có thể gặp trở ngại trong giao tiếp vì hơi thở hôi và răng ngả màu.
Sâu răng còn là đầu mối dẫn dắt vi khuẩn chu du khắp cơ thể, “gieo rắc tai họa” đến nhiều cơ quan như viêm hạch, viêm xoang, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp, viêm nội tâm mạc… làm cho sức khỏe răng miệng trẻ bị đe dọa, có thể dẫn đến những bệnh kinh niên về sau như tiểu đường, tim mạch, tai biến mạch máu não.
Cha mẹ cần ý thức cao về hậu quả của sâu răng để phòng tránh bằng cách:
– Kiên trì luyện thói quen tốt từ khi trẻ còn nhỏ: cho trẻ ăn uống có giờ giấc, không uống sữa đêm (với điều kiện bảo đảm nhu cầu năng lượng). Nếu cần thiết phải uống sữa, nên vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay sau đó, dù bất cứ giờ giấc nào.
– Bảo vệ răng với chất fluoride từ giai đoạn sớm của tuổi thơ ấu (sơ sinh đến bảy tuổi). Fluoride thường có trong kem đánh răng và nước máy dùng hằng ngày… Ở nước ta, tỷ lệ fluoride trong nước máy sinh hoạt thay đổi theo từng vùng, nên tùy theo vùng mà gia đình cân đối cho phù hợp.
– Khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm các lệch lạc của răng nhằm điều chỉnh kịp thời. Nên nhớ, răng không đau không có nghĩa là răng không bệnh.