Việc chuẩn bị một tủ thuốc gia đình dành riêng cho trẻ là việc làm rất cần thiết để giảm thiểu những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra đối với bé.
Trẻ con rất hiếu động và ưa chạy nhảy, tất nhiên sẽ không tránh khỏi bị trầy xước tay chân. Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn chỉnh dễ khiến bé hay bị đau bụng và nôn ói. Thêm vào đó, các bé lại rất thích đưa đồ chơi vào miệng sẽ khiến vi trùng xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng.
Bạn nên chuẩn bị tủ thuốc y tế dành riêng cho trẻ với những vật dụng cần thiết sau đây.
Thuốc sát trùng. Trong tủ thuốc của bé phải luôn có thuốc sát trùng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Bạn có thể chọn một số loại thuốc sát trùng thông dụng như cồn ethenol 70°, betadine, ôxy già, povidine…
Bông, băng, gạc y tế. Dùng để lau chùi và băng bó vết thương. Đối với bông nên cắt sẵn (bằng kéo sạch) thành từng miếng để tiện dụng. Trên thị trường hiện nay có bày bán rất nhiều loại băng dính có hình dạng và kiểu dáng khác nhau. Bạn nên chọn những loại băng dính cỡ nhỏ dành cho bé, cũng có thể chọn những loại băng dính có hình hoạt họa để tạo cảm giác vui mắt cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các băng dính có kích cỡ phù hợp với các vết thương. Ví dụ như: đối với các vết trầy xước và bỏng thì bạn có thể chọn băng dính với kích cỡ nhỏ, trung bình hoặc lớn tùy theo độ rộng của vết thương, đối với những vết thương ở đầu gối hay khủy tay thì nên chọn băng dính dài có thể co giãn được, đối với vết cắt ở tay thì chỉ cần băng dính loại nhỏ là được.
Thuốc giảm đau và hạ sốt. Nên chuẩn bị sẵn một ít thuốc paracetamol để giúp trẻ giảm đau và hạ cơn sốt. Thuốc paracetamol có nhiều dạng như viên uống, sirô, hỗn dịch hay thuốc nhét hậu môn. Khi trẻ bị sốt, để trẻ dễ uống, nên cho dùng paracetamol dạng lỏng như dùng thuốc nước nhỏ giọt hoặc thuốc dạng hỗn dịch, si rô. Đối với trẻ còn nhỏ tháng thì dạng thuốc thích hợp là thuốc nhét hậu môn. Bạn có thể mua và trữ sẵn những loại thuốc này ở nhà, riêng thuốc nhét hậu môn tốt nhất là nên trữ trong tủ lạnh để khi cần đến thì có sẵn. Khi sử dụng thuốc hạ sốt, các lần dùng cần cách nhau khoảng 6 giờ (nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc).
Nước muối sinh lý. Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ mắt, mũi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đơn giản là làm sạch mắt và mũi của bé.
Thuốc tiêu hóa. Trong trường hợp bé bị bệnh tiêu chảy và mất nước, bạn nên cho trẻ uống dung dịch Oresol để bù lại nước cho trẻ (chú ý pha đúng tỉ lệ được hướng dẫn trên bao bì sản phẩm để tránh ngộ độc).
Thuốc trị bỏng. Đối với loại thuốc này, bạn có thể dự trữ Pantenol dạng kem bôi hoặc dạng xịt. Dùng Pantenol ngay sau khi bị bỏng nhẹ sẽ giúp các vết bỏng không bị phồng rộp. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng dầu mù u hay Biafin để trị các vết bỏng cho trẻ.
Thuốc chống dị ứng. Trong trường hợp bé bị mẩn ngứa hay nổi mề đay cấp tính, bạn có thể dùng Loratadine dạng si rô để điều trị. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamin dạng si rô như Phénergan, Théralène để trị ho, nôn ói và dị ứng cho trẻ.
Thuốc bôi chống muỗi. Khi bé bị muỗi hoặc côn trùng đốt, bạn có thể bôi thuốc mỡ Eurax lên các vết cắn để tránh bị ngứa và sưng viêm cho làn da của bé.
Lưu ý: Không nên dùng aspirin cho trẻ nhỏ, đặc biệt là khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, vì dù giảm đau và hạ nhiệt tốt nhưng aspirin lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày – tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết cho trẻ.
Xin nhấn mạnh, nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 3 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Do đó, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra để cho trẻ uống.
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho trẻ sử dụng thuốc.