Bộ phận sinh dục của con trai chịu trách nhiệm duy trì nòi giống. Vì thế, các bậc phụ huynh cần theo dõi bộ phận này để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường.
Hẹp da bao quy đầu: Là tình trạng bao không tuột khỏi quy đầu. Theo TS-BS Nguyễn Thành Như – chuyên về Nam khoa, ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu thường dính vào quy đầu, việc tách ra sẽ hoàn thiện khi bé được ba-sáu tuổi. Bao quy đầu chỉ được cắt khi bị hẹp thật sự, vì đây là nguyên nhân gây viêm quy đầu, viêm xơ teo từ bao quy đầu đến quy đầu, ung thư dương vật (DV) cũng dễ xảy ra khi bị hẹp quy đầu.
Dương vật bị nhốt: Đây không phải là bệnh mà do bác sĩ cắt da bao quy đầu không đúng gây ra. Cần phẫu thuật để “thả” DV ra.
Dương vật vùi: Theo BS Nguyễn Thành Như, nguyên nhân gây DV vùi do bị mỡ vùng mu che phủ hoặc do da DV không dính với cân sâu dưới da. Khi bé lớn, lớp mỡ “di tản” bớt, lớp cân phát triển bình thường, không bị che khuất nên “súng ống” lộ rõ thân hình. Vì thế, vội vã điều trị có khi để lại sẹo cho cả tâm lý và thể xác của bé. Điều cần làm khi gặp những trường hợp này là nên tìm đến thầy thuốc nam khoa có kinh nghiệm để được theo dõi.
Dương vật lưới: Đây là bệnh bẩm sinh, nếu không mổ thì lớn lên vẫn vậy. Song, đây là bệnh chỉ làm xấu đi hình dạng “súng ống” chứ không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, sinh sản. Nên thực hiện phẫu thuật khi đã dậy thì.
Tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn (TH) phát triển và di chuyển từ từ đến bìu. Nhưng theo thống kê, có từ 3- 5% trẻ sinh ra có TH ẩn, tức là TH không nằm trong bìu mà nằm trên đường đi xuống bìu. Tuy nhiên đa số tự khỏi, khi trẻ được một tuổi, tỷ lệ này giảm còn 0,7 đến 1%. Bé bị TH ẩn, dễ bị ung thư và vô sinh hơn trẻ có TH bình thường. Nên thực hiện phẫu thuật khi bé từ 9 đến 18 tháng.
Tinh hoàn lạc chỗ: TH đi lạc thường “cư ngụ” tại đùi, trước bàng quang hoặc sau xương mu. TH đi lạc do sợi dây chằng cực dưới DV đính lộn chỗ, thay vì đính xuống bìu thì nó đính qua đùi… Trường hợp này phải phẫu thuật.
Không có tinh hoàn: Trẻ chỉ có một TH hoặc không có TH nào. Nguyên nhân do TH bị xoắn rồi bị teo từ thời kỳ còn là bào thai.
Tràn dịch tinh mạc: Tại sao lại ứ dịch? TH có bao tinh mạc bọc xung quanh. Bao tinh mạc luôn tiết ra ít chất dịch giống như nhớt bôi trơn. Nếu bao bị viêm hoặc bao thông với bụng thì dịch trong bao sẽ tăng quá nhiều, gây ứ dịch trong bao.
Tinh hoàn bên to bên nhỏ: Có nhiều nguyên nhân khiến cho TH không cân xứng như: Tràn dịch tinh mạc; thoát vị bẹn; xoắn TH (TH bị giựt lên và hơi xoay ngang); TH bị biến chứng quai bị; viêm nhiễm một bên TH; bướu TH.
Nếu không điều trị hoặc chần chừ điều gì xảy ra?
BS Mai Bá Tiến Dũng – Trưởng khoa Nam học – Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết:
– Tràn dịch tinh mạc mà không điều trị hoặc chần chừ thì không tốt vì TH bị ngâm trong môi trường nước quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chức năng.
– Thoát vị bẹn cần điều trị ngay vì ruột non sau khi xuống dưới không lên được sẽ làm cho ruột bị tắc, có thể gây tử vong.
– Xoắn TH: Cần điều trị ngay, nếu sau sáu tiếng đồng hồ, khả năng buộc phải cắt TH rất cao.
– Viêm nhiễm TH cần điều trị ngay vì có thể gây hoại tử TH.
– TH có bướu cần điều trị sớm vì bướu tế bào mầm phát triển rất nhanh, có thể gây tử vong cho trẻ.
– Cuối cùng là bị chàm ngay… bao đựng TH gây ngứa cho bé. BS Huỳnh Huy Hoàng – Bệnh viện Da liễu TP.HCM hướng dẫn: “Để bé không bị ngứa, cần tránh hóa chất như tắm xà bông thơm, không để mồ hôi ra nhiều và không mặc tã giấy. Ngoài ra, không ăn một số món có thể gây dị ứng như: đồ biển, trứng, sữa chua…”.