Không người mẹ nào muốn “vượt cạn” sớm nhưng nhiều người bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non hoặc không trao đổi với bác sĩ về chuyện này. Dưới đây là bốn câu hỏi về sinh non mỗi thai phụ cần phải hỏi bác sĩ:
1. Chiều dài của cổ tử cung là bao nhiêu?
Chiều dài của cổ tử cung ở 14-24 tuần mang thai là chỉ tiêu đánh giá nguy cơ sinh non. Hầu hết các bác sĩ đưa ra lịch trình siêu âm ở giai đoạn khoảng 19-20 tuần. Hãy hỏi bác sĩ siêu âm để ghi lại chiều dài cổ tử cung của bạn tại thời điểm đó và viết vào nhật ký mang thai.
Nếu chiều dài cổ tử cung ngắn hơn 4cm, nên yêu cầu bác sĩ siêu âm cho một phép đo chính xác hơn. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu sinh non nào trong những tuần tiếp theo, có thể đề nghị bác sĩ siêu âm thêm để so sánh thay đổi ở độ dài cổ tử cung.
Độ dài cổ tử cung là một trong những tỉ lệ vàng trong hệ sinh sản của phụ nữ.
2. Tôi có cần dùng phương pháp 17P?
Nếu bạn đã sinh non hoặc có cổ tử cung ngắn, hãy hỏi bác sĩ về những lợi ích của phương pháp 17P (17-alpha-hydroxyprogesterone caproate) – cách tiêm bổ sung progesterone hàng tuần trong giai đoạn 16-36 tuần của thai kỳ.
3. Tôi có nên kiểm tra FFN?
Thử nghiệm fibronectin bào thai ((FFN) là công cụ hiệu quả để xác định chuyển dạ có thể xảy ra sớm (Fibronectin là một protein giữ màng thai nhi dính vào tử cung của mẹ khi mang thai. Protein này thường được phát hiện trước 22 tuần và sau 35 tuần khi nó bắt đầu phân hủy tự nhiên).
Xét nghiệm cho thấy, fibronectin hiện diện trước các dấu hiệu khác của sinh non. Kết quả âm tính chứng tỏ hơn 99% bạn không sinh non trong vòng hai tuần tới.
Kết quả dương tính không khẳng định sinh non sẽ xảy ra, nhưng nó cho phép bạn và bác sĩ vạch kế hoạch giúp ngăn ngừa sinh non.
4. Điều tôi nên làm khi có cảm giác bất ổn?
Trực giác của người mẹ là điều không nên bỏ qua. Bạn phải là người hiểu cơ thể mình nhất và khi bạn cảm thấy có cái gì đó bất ổn, hãy đi khám ngay, thay vì chờ cho đến khi quá muộn.