Có dịp ở trong gia đình người Nhật, tôi đã quan sát cách bố mẹ Nhật xử lý khi các con của họ cãi nhau.
Không bênh vực ai, chỉ phân xử “đúng – sai”
Một điều thú vị ở gia đình người Nhật đó là ai lớn tuổi hơn thì sẽ được gọi là anh/ chị chứ không quan tâm đến thứ bậc của bố mẹ trong gia đình. Trong gia đình người Nhật mà tôi ở có hai bé: bé Tatsuki-kun là con của người chị, Haruki-kun là con của người em. Tatsuki-kun thua Haruki-kun 4 tháng tuổi nên gọi Haruki-kun là anh.
Hai anh em chỉ cách nhau có 4 tháng tuổi và lại đang ở độ tuổi nghịch ngợm và phản kháng nên việc tranh cãi, thậm chí đánh nhau là điều khó tránh khỏi. Haruki-kun do lớn tuổi hơn Tatsuki-kun một chút nên khỏe hơn và thường thắng trong những lần hai em vật nhau, tranh giành đồ chơi. Thường thì hai anh em chỉ chơi vui vẻ cùng nhau 5 phút là lại bắt đầu có xung đột nên ông của hai em đã nói đùa rằng ngày xưa gia đình ông có 10 anh chị em nhưng cũng không cãi nhau nhiều như hai em bây giờ.
Hôm đó ba của Tatsuki-kun không có nhà mà chỉ có ba của Haruki-kun ở bên chơi cùng hai em. Đột nhiên Tatsuki-kun và Haruki-kun cãi nhau và giành nhau đồ chơi, Haruki-kun khỏe hơn đã đẩy Tatsuki-kun ngã và đánh vào má khiến cậu khóc thút thít. Ba của Haruki-kun liền chạy tới can hai em, bế Haruki-kun ra chỗ khác và nói các em không được đánh nhau.
Nghe tiếng Tatsuki-kun khóc, mẹ em chạy từ trong bếp ra xem có việc gì nhưng cũng rất bình tĩnh xoa đầu em hỏi có chuyện gì để nghe em kể lại. Sau đó vài phút khi Tatsuki-kun đã nín khóc, ba của Haruki-kun dẫn em lại chỗ Tatsuki-kun và nói “Con hãy xin lỗi em Tatsuki đi, anh xin lỗi vì đã đấm em”. Haruki-kun đã cúi đầu xin lỗi Tatsuki-kun và hai anh em lại chơi với nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra từ 5 phút trước vậy.
Việc cha mẹ bình tĩnh, không bênh vực khi các con cãi nhau như trường hợp trên sẽ trẻ học được bài học đầu tiên về mối quan hệ ứng xử xã hội. Cha mẹ chỉ nên nói cho các em biết hành vi như nào là đúng là sai, “không được làm như vậy” mà thôi.
Đặc biệt với các bé trai thì dù chỉ có hai người cũng sẽ có một em thích trở thành lãnh đạo, việc Haruki-kun lớn hơn và khỏe hơn sẽ có xu hướng bắt nạt Tatsuki-kun cũng là một hành động bản năng nên cha mẹ không nên quá lo lắng khi con trẻ cãi nhau. Thông qua cuộc cãi nhau đó, các em mỗi người sẽ tự rút ra cho mình những bài học về bản năng sinh tồn để tích lũy cho bản thân khi lớn lên.
Không bao giờ so sánh các con với nhau
Trong gia đình người Nhật mà tôi đến thăm, ông bà của các em cũng như bố mẹ các em đều đối xử rất công bằng với các em, đặc biệt là không bao giờ có sự so sánh giữa các em với nhau hay dùng những từ dễ chạm lòng tự ái và tổn thương sự tự tin của các em kiểu như “Tatsuki-kun ăn ngoan như thế kia mà sao con hư thế không chịu ăn” …
Có thể Haruki-kun nhỉnh hơn Tatsuki-kun một chút về năng khiếu vẽ hoặc xếp hình nhưng khi cả hai cùng khoe tác phẩm thì mọi người đều khen với thái độ như nhau, chứ không bao giờ nói những câu đại loại kiểu như là “Haruki-kun tô đẹp như thế này mà sao con tô màu gì ngộ thế…” hay là “con phải nhìn anh (em) để mà học tập…” Thay vào đó mọi người đều tôn trọng sở thích cá nhân và cá tính của mỗi em để từ đó khuyến khích các em phát huy những điểm mạnh của mình.
Có lẽ chính nhờ điều đó mà các em luôn vui vẻ phát huy hết sở thích của mình, cãi nhau xong lại thân thiết với nhau ngay lập tức. Muốn cho trẻ được phát triển tự nhiên và đúng với con người trẻ vốn có như vậy thì bản thân cha mẹ và ông bà phải luôn là những người đối xử công bằng, tôn trọng cá tính của trẻ. Nếu muốn khích lệ tinh thần cố gắng của trẻ thì cũng đừng bao giờ dùng những lời lẽ so sánh trẻ với những trẻ khác, thay vào đó hãy nhìn vào những điểm mạnh của trẻ để khen ngợi, kích thích nỗ lực của trẻ.