Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y khoa Thái Hà), trong một số trường hợp thủy đậu có thể gây sảy thai.
Một độc giả lo lắng: “Em thực sự rất mong nhận được chia sẻ từ các chị có kinh nghiệm. Hiện tại em đang mang thai được 6 tuần ạ. Em mới chỉ biết mình bầu bí được 8 ngày thôi. Niềm hạnh phúc 2 vạch chưa lâu thì giờ em lại bị thủy đậu. Mà vợ chồng em khó có con chứ.
Chúng em cưới nhau được hơn 2 năm rồi ạ. Phải nỗ lực chạy chữa nhiều lắm con yêu mới về với gia đình em, thế mà giờ em lại mắc căn bệnh quái ác này”
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y khoa Thái Hà) cho biết: “Trong một số trường hợp thủy đậu có thể gây sảy thai. Biện pháp cần thiết của bà bầu này là cần theo dõi, đi khám thai, kiểm tra yếu tố dị tật, theo dõi theo chuẩn sàng lọc trước sinh”.
Theo bác sĩ Dung, thủy đậu mà bà bầu này hỏi cũng có thể là Rubella. Khi bà bầu bị Rubella thì khả năng bị sảy thai là rất lớn. “Vì vậy, khi bị Rubella trong thai kỳ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa sản để được chỉ định”, bác sĩ Dung khuyến cáo.
Việc bị thủy đậu ở những tháng mà thai nhi đang hình thành các tổ chức của cơ thể là rất đáng lo ngại, cần thăm khám ngay lập tức. Còn nếu bà bầu mắc thủy đậu khi trẻ đã hoàn thành các tổ chức trong cơ thể thì phải theo dõi sát các dị tật.
Để phòng tránh Rubella, bà bầu có thể tiêm phòng trước 3 tháng khi mang thai. Rubella có thể gây dị tật rất lớn cho thai nhi, ảnh hưởng hệ thống thần kinh, các giác quan của bé.
“Thủy đậu là do virus gây ra, vì vậy khi bà bầu bị nhiễm virus này cần chú ý việc kiểm tra dị tật của thai nhi. Ăn uống, nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt tăng cường các thức ăn có vitamin C để tăng sức đề kháng của cơ thể”, bác sĩ Dung khuyên.
Theo một số bác sĩ khác, Rubella xuất hiện đầu tiên ở mặt rồi lan ra khắp mình và tứ chi, ít khi kéo dài quá 3 ngày, bên cạnh đó cũng có khoảng 25% trường hợp nhiễm bệnh mà không có biểu hiện nổi ban. Bệnh dù không đáng ngại đối với người bình thường, trẻ nhỏ hay người già, nhưng lại nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi, nhất là nếu bị nhiễm vào các tháng đầu tiên của thai kỳ.
Người mẹ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu tiên thì khả năng gây dị tật cho thai nhi lên đến 80 – 90%, gồm các dị tật như điếc, đục thủy tinh thể, mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, dị tật tim, sẩy thai, sinh non, phù bánh nhau, thay đổi lượng nước ối, trẻ sinh ra bị vàng da nặng, bị xuất huyết do giảm tiểu cầu v.v…
Thủy đậu lây qua đường nước bọt, có thể lây qua da, niêm mạc, vì vậy bà bầu hết sức chú ý giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ. Nếu bị thủy đậu cần chú ý tránh để các nốt vỡ ra có thể gây bội nhiễm.