Các chuyên gia tìm thấy mối quan hệ giữa hàm lượng hormone và chất dẫn truyền thần kinh của não (đặc biệt là serotonin – một chất hóa học điều khiển tâm trạng) gây nên xáo trộn trong cảm xúc ở phụ nữ mang thai.
3 tháng đầu
Mang thai đồng nghĩa với việc các nội tiết tố (hormone) tăng cao. hCG (tăng mạnh 3 tháng đầu) giữ cho phôi được cấy chắc vào lớp niêm mạc tử cung. Progesterone và estrogen (tăng trong suốt 9 tháng) giúp duy trì mang thai và xây dựng các mạch máu nuôi dưỡng bào thai.
“Ngập tràn những nội tiết tố này mang lại lợi ích cho em bé, nhưng lại gây khó chịu cho người mẹ. Ví dụ, hCG đôi khi gây ra nghén; còn progesterone và estrogen liên kết với tâm trạng buồn và nước mắt” – Lucy Puryera (giám đốc bệnh viện tâm thần học ở Texas) cho hay.
Mất kiểm soát: Một người mẹ chia sẻ: “Trong 3 tháng đầu, tôi luôn thấy mệt mỏi, đau bụng, không thể suy nghĩ rõ ràng. Đặc biệt, tôi không thể kiếm soát được công việc của mình”.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Nên ngủ nhiều nếu như bạn muốn”. Ngoài ra, bạn cần giao tiếp nhiều để giảm căng thẳng. Sự hỗ trợ của người xung quanh là điểm tựa cho bạn trong giai đoạn này.
3 tháng giữa
3 tháng giữa là khoảng thời gian dễ chịu nhất của thai kỳ. hCG chững lại trong khi progesterone và estrogen tăng từ từ. Niềm vui có thể đến bất ngờ khi bạn cảm nhận được những cú máy đầu tiên của em bé. Nhiều người mẹ cho rằng đây là sự kiện quan trọng và không thể diễn tả hết niềm vui.
Căng thẳng: Bên cạnh niềm hạnh phúc, bạn còn phải đối mặt với nhiều căng thẳng. Giữa tuần 15 và 17, bạn cần xét nghiệm máu đánh giá mức độ rủi ro của em bé với một số dị tật bẩm sinh, như hội chứng Down. Nếu kết quả cho thấy một nguy cơ cao hơn trung bình, bạn cần làm thêm các xét nghiệm như chọc ối hay CVS. Những thử nghiệm này mang theo rủi ro, chẳng hạn như sảy thai.
Stress trong quan hệ vợ chồng: Rất nhiều người chồng thấy hụt hẫng khi vợ mang bầu. Vợ chồng lạnh nhạt, thậm chí có thể thấy bị tổn thương.
Một thai phụ chia sẻ: “Tôi rất bối rối về trọng lượng của cơ thể mình”. Khi bụng bầu “nhô ra”, cô không còn “quan hệ” với chồng mình nữa. Cô thấy mình tự ti, không hấp dẫn được chồng mặc dù cô luôn được chồng động viên.
Ý kiến chuyên gia: “Bạn hãy nhớ, mang thai chỉ là tình trạng tạm thời. Và vẫn có nhiều cách để quan tâm, gần gũi chồng mình”.
3 tháng cuối
Trong những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng tăng làm bạn không thoải mái.. Bạn đau nhức, mất ngủ. Các hormone gây rối loạn tâm trạng cũng tăng cao. Càng gần ngày sinh, bạn càng có tâm trạng sợ cơn chuyển dạ.
Nếu bạn mệt mỏi, hãy đi ngủ. Khi tỉnh táo, hãy chuẩn bị mọi thứ (hành lý, tiền bạc, kiến thức…) cho một chuyến đi hoàn toàn mới – chuyến đi làm mẹ.