Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nổ bóng bay khiến nhiều người bị thương. Vì vậy, nhiều cha mẹ cấm tiệt không cho con chơi bóng bay nữa.
Không ngờ bóng bay gây ra tai nạn
Năm ngoái, tại Nam Định, một vụ tai nạn nổ bóng bay đáng tiếc xảy ra với anh Thanh Tùng (thường trú tại Nam Trực – nam Định) . Trong một lần đến đám cưới người bạn ở cùng huyện, nhà gia chủ cổng cưới kết toàn bằng bóng bay. Lễ cưới kết thúc, đám trẻ đến dự ngỏ ý nhờ anh lấy cho mỗi đứa mấy quả bóng để chơi. Do vội không lấy dao, kéo để cắt dây bóng bay, anh dùng luôn bật lửa đốt khiến cho bóng nổ tung, anh Tùng và một số cháu đứng gần phải đi bệnh viện cấp cứu.
Cũng như anh Tùng, mới đây một vụ tai nạn thương tích xảy gia đình anh Phan Minh Đ. (40 tuổi, trú tại quận Long Biên) đi ăn cưới người thân tại một nhà hàng. Khi ra về, các con và cháu anh Đ. cầm chùm bóng bay có bơm khí hydro chơi (chùm bóng này do nhà hàng chuẩn bị phục vụ tiệc cưới). Khi có cháu đi cùng đám cưới xin quả bóng để chơi, anh Đ. rút dây buộc trong chùm bóng ra nhưng không được nên vô tư dùng bật lửa đốt dây buộc, khiến cả chùm bóng phát nổ.Tiếng nổ phát ra lớn đến mức người nhà tưởng nổ bình gas trong bếp của nhà hàng song khi thấy bố con anh Đ. đang bị lửa phủ khắp đầu, mặt, hai tay và quần áo bốc cháy thì tất cả mới tá hỏa.
Từ khi có thông tin về những vụ nổ bóng bay chị Hạnh Nguyên (Quang Trung – Hà Đông) mới tóa hỏa ra việc mình thường xuyên cho con chơi bóng bay là nguy hiểm, vì con nhà chị rất thích đồ chơi này mà giá của mỗi quả bóng bay lại rất rẻ, trong khi bản thân chị lại không biết tác hại của nó gây nổ bất ngờ khi ở gần nguồn lửa, hay chỗ có nguồn nhiệt lớn. Chị quyết định, từ giờ cấm tiệt con chơi bóng bay.
Nguy hiểm ít ai biết đến
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) thì nguyên lý hoạt động của bóng bay là phải dùng khí hydro hoặc actile bơm bóng để cho bóng có độ căng và bay cao là những khí rất nhạy với cháy nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây nổ. Bóng nổ sẽ tạo ra sản phẩm cháy có áp suất lớn gấp nhiều lần áp suất ban đầu nên có thể gây thương tích cho những người đứng gần, và vết bỏng thường nằm ở vị trí như mặt, cổ, bàn tay… Những vết bỏng do bóng bay gây ra cũng như các vết bỏng khác, rất nguy hiểm và lâu lành sẹo
Bác sĩ Huệ còn cho biết thêm, những loại đồ chơi có màu sắc bắt mắt như bóng bay hay bóng bình thường, khi sản xuất người ta thường dùng một loại dịch màu để tạo màu sắc. Màu dùng ở đây không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho các ngành công nghiệp chế bản như ngành in, ngành nhuộm… cùng với một số phụ gia bao gồm các hóa chất như chất lưu hóa, chất xúc tác, chất dẻo hóa, chất chống ôxy hóa… Hầu hết các chất này đều không tốt cho sức khỏe của trẻ. Khi trẻ nhỏ ngậm, mút, tiếp xúc với quả bóng tức là trực tiếp ngậm, mút các chất hóa học này. Nguy hiểm nhất là những chất này còn có thể gây ung thư.
Còn những loại bóng bay thường dùng miệng thổi, trẻ chơi tuy nổ không gây rát mặt, rát tay nhưng độc hại không kém vì các loại bóng bay thường cũng có quy trình sản xuất là dùng các thành phần phẩm màu công ngiệp.
Cha mẹ lưu ý khi con chơi bóng bay
Nhưng bóng bay vẫn là đồ chơi hấp dẫn của nhiều em nhỏ. Vậy có nên cấm con chơi bóng? Câu trả lời là Không! Nhưng các bậc phụ huynh cần biết cách phòng tránh tai nạn cho con bằng những lưu ý quan trọng sau:
– Chọn những loại bóng có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, nhà sản xuất uy tín, không cần chọn bóng quá nhiều màu sắc.
-Tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp. Việc cầm trực tiếp cũng khiến chất màu thôi ra tay, rồi trẻ lại ngậm, mút tay sẽ rất nguy hiểm.
– Với bóng bay bơm Hydro, không được để gần nguồn lửa. Để con chơi bóng xa khu vực bếp, dặn dò bé không cấu/ bóp/ chọc bóng gây nổ (Trừ trường hợp làm nổ bóng có chủ đích và có kiểm soát của người lớn).
Để tránh hiểm họa gây hại cho con, khi mua bóng về cha mẹ nên cố gắng chơi chung với trẻ để vừa hướng dẫn trẻ chơi, vừa phòng ngừa các tai nạn.