Nhút nhát trở thành vấn đề nếu nó kìm hãm phát triển ở bé, như cản trở bé giao tiếp với những người ở ngoài gia đình như bạn chơi, thầy cô giáo và những người lớn khác.
Không phải bé nào cũng hướng ngoại và cởi mở. Một số bé hòa nhập chậm thì cần nhiều thời gian để thích ứng với môi trường xung quanh. Nhút nhát bình thường không cản trở bé đi học, tham dự sinh nhật hoặc vui chơi ngoài công viên, dù người lớn (cha mẹ và thầy cô) có cổ vũ bé hay không. Có rất nhiều biểu hiện nhút nhát ở bé là bình thường.
Những dấu hiệu nhút nhát ở bé là bình thường nhưng có thể gây lo lắng cho cha mẹ:
– Bé “chùn chân” khi xung quanh toàn những người lớn không quen biết. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút căng thẳng, bé nhút nhát bình thường bắt dầu di chuyển và vui chơi. Các chuyên gia dùng cụm từ “thích ứng chậm” để mô tả loại hành vi này.
– Ở công viên, bé đứng “trơ trơ” dù các bé khác đang hào hứng chạy nhảy bên cạnh. Sau cùng, bé nói là bé rất vui dù chỉ đứng nhìn. Cha mẹ cần thoải mái và cho bé thêm thời gian thích ứng.
– Bé nhà bạn khó rời khỏi bạn khi được đưa đến lớp mẫu giáo hay nhà trẻ. Bạn luôn cần vài phút để giúp bé trấn tĩnh và tham gia vào các trò chơi. Sau đó, bạn dễ dàng chào tạm biệt con mà bé không hề quấy khóc. Một thời gian sau, bạn chỉ cần nhắc nhở: “Mẹ biết mới đi học làm con không thoải mái nhưng bây giờ thì quen rồi mà”.
– Bé từ chối nói ở bên ngoài. Bé cũng không chịu trình diễn múa, hát trước người lạ khi được mẹ đề nghị: “Con hát cho cô nghe nào”. Các chuyên gia cho rằng, hành vi này là rất phổ biến với các bé ở tuổi mẫu giáo. Một số bé mạnh dạn hơn cũng e dè khi phải biểu diễn trước người không quen biết. Nhưng khi không bị thúc ép và thấy thoải mái hơn, bé sẽ dễ dàng hòa nhập.
– Bé chọn cách chơi một mình. Điều này cũng là bình thường với nhiều bé, cho đến khi bé có ít nhất một hoặc hai người bạn phù hợp (thường là với bé 4 tuổi hoặc lớn hơn).
– Thỉnh thoảng, nhút nhát còn đi kèm với những nỗi sợ hãi như sợ động vật, sợ bóng tối. Điều này cũng là bình thường, trừ khi sự sợ hãi trở nên nghiêm trọng.