Hồi 2 tuổi đi mẫu giáo, mẹ Nhố đã tinh ý nhận ra biểu hiện lạ của con như khi ngủ nói mớ và khóc suốt… Coi con là người bạn nhỏ để tâm sự và chia sẻ mọi điều là bí quyết giúp chị Phương – mẹ bé gái luôn gần gũi và phát hiện được những rắc rối nhỏ nhặt nhất khi đi mẫu giáo.
Mẹ: Phạm Bích Phương.
Nghề nghiệp: Biên dịch viên tiếng Nhật (tự do).
Con: Bùi Bảo Linh Nhi.
SN 08/06/2009
Chị bắt đầu cho bé Nhố đi học mẫu giáo từ lúc nào?
Tôi bắt đầu cho bé tới trường khi bé 2 tuổi, nhưng thời gian đó do sức khỏe bé không tốt lắm, hay ốm. Và nhà có điều kiện là bà nội đã nghỉ công tác, ở nhà chăm được cháu nên gia đình quyết định cho cháu ở nhà thêm một năm cho cứng cáp hơn rồi đi học.
Ngoài ba tuổi, Nhố bắt đầu đi học lại, có quấy khóc thời gian đầu như các trẻ khác, rồi dần vào nếp. Do tôi cũng không quá bận và có bà đã nghỉ hưu, nên nếu dể bé ở nhà thì cũng có người chăm. Nhưng gia đình vẫn cố gắng đưa bé tới lớp đều đặn để quen với môi trường tập thể, bớt nhút nhát và học được nhiều thứ mới. Mình nghĩ gia đình dù có nhiều thời gian dành cho con thì vẫn có những điều chỉ trường lớp mới dạy được trẻ.
Trẻ nhỏ thường ham chơi và không thích đến trường. Chị làm thế nào để động viên Nhố đi học mỗi ngày?
Đúng như bạn nói, trẻ rất ham chơi, và trường lớp là một nơi thỏa mãn được nhu cầu đó của trẻ (Cười).
Tôi thấy mỗi trẻ lại có niềm hứng thú riêng với trường lớp, cháu thì thích vì đồ chơi, cháu thì thích vì có bạn, cháu thì thích các lớp năng khiếu … Thậm chí có cháu thì thích đến trường hơn cả ở nhà. Riêng bé Nhố thì thích ớ nhà hơn và không thích đi học, dù đã tới trường gần hai năm.
Hàng ngày tôi cố gắng gợi các câu chuyện cho con thây rằng ở lớp có những niềm vui khác với ở nhà: Phải tới lớp mới gặp được bạn, tới lớp mới chơi được trò đóng kịch đông người, tới trường mới có nhà bóng, cầu trượt….
Tôi cũng có tham khảo chương trình “Kỷ luật không nước mắt” và áp dụng những điều hợp lý và phù hợp với con. Cụ thể là quy định về “thưởng-phạt” giữa hai mẹ con. Nhố có một lọ đựng sao. Cứ khi nào ngoan sẽ được thưởng sao để tích lúy. Khi nào làm điều gì sai, thì bị trừ sao trong lọ. Hai mẹ con cũng quy định với nhau những mốc để đổi quà: 10 sao được đi chơi công viên, 5 sao được xem hoạt hình..v..v.. “Đi học ngoan” là một trong số những việc làm đáng khen và được tích sao. Đó là một động lực để bé phấn đấu.
Khi chọn trường cho con thì chị chú ý tới những điều gì?
Tôi quan niệm nuôi con cần ưu tiên: Khỏe- Ngoan- Giỏi. Việc chọn trường cũng theo đó mà lựa: Quan trọng nhất là sức khỏe của cháu. Tôi chọn trường ở gần nhà: thuận tiện tuyến đường con đi học-mẹ đi làm. Những hôm trái gió trở trời không phải đi xa. Chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng…
Tiếp theo mới là những điều kiện về cơ sở vật chất, phương thức giáo dục… Nhưng mong muốn cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Hiện tôi cho bé học ở trường mầm non công lập, với mức học phí vừa phải cũng như đảm bảo an toàn về sức khỏe và tinh thần cho con. Trường cũng có khuôn viên rộng rãi, các cô giáo cẩn thận, tận tình. Tôi thấy khá hài lòng.
Hiện nay tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường mẫu giáo, các lớp trông trẻ đang khiến nhiều chị em hoang mang lo lắng. Cho con đi mẫu giáo, chị làm thế nào để tránh cho bé không bị bạo hành?
Các trường hợp báo chí đã đưa tin hầu hết đều xảy ra ở những trung tâm trông trẻ không có giấy phép. Bé nhà tôi hiện đang học ở một trường công, tôi khá tin tưởng vào các cô giáo tại đây.
Tôi nghĩ để phát hiện con bị bạo hành không quá khó. Mình là người chăm sóc con hàng ngày, tắm rửa cho con sẽ phát hiện ra ngay những thay đổi trên cơ thể con. Đó là điều có thể nhìn thấy bằng mắt. Còn những thay đổi về tâm lý nếu trẻ bị bạo hành cũng dễ dàng được phát hiện nếu cha mẹ để ý con. Đặc biệt thông qua giấc ngủ.
Chị nói phụ huynh cần phải quan tâm, theo dõi sát sao con cái khi đi học. Vậy nhưng có nhiều trường hợp trẻ vì sợ cô giáo mắng nên giấu bố mẹ chuyện ở trường. Chị làm thế nào để 2 mẹ con hàng ngày có thể tâm sự với nhau mọi chuyện?
Tôi vẫn giữ thói quen nói chuyện nhiều với con, hỏi con chuyện trường lớp, bạn bè. Bản thân tôi cũng kể cho cháu những việc mình làm trong ngày. Có những khái niệm không thuộc phạm vi hiểu được của trẻ, nhưng tôi vẫn tìm cách đơn giản hóa câu chuyện để tâm sự cùng bé, mục đích chính là tạo thói quen chia sẻ giữa mẹ và con. Nếu có vấn đề gì bất thường, có lẽ bé sẽ tâm sự cùng mẹ.
Đôi khi, Nhố cũng cảm thấy nhàm chán với những câu hỏi của mẹ vì ngày nào mẹ cũng hỏi “Con ăn gì?”, “Con làm gì?”. Tôi kết hợp tìm hiểu con thông qua các trò chơi. Có một trò chơi đơn giản thế này tôi thấy rất hiệu quả: hai mẹ con chọn một từ làm chủ đề, đặt câu với từ đó. Dùng một quả bóng tung qua lại, đặt câu có từ đó rồi ngay lập tức tung cho người kia.
Ví dụ, từ chủ đề là “Vẽ”. Con sẽ đặt những câu như:
– Hôm nay Nhố vẽ hoa đào.
– Ở lớp bạn Đức Minh vẽ ông già rất béo.
– Bà ngoại mua cho Nhố hộp màu để Nhố vẽ.
Vừa vui, vừa “khai thác” được thông tin từ con.
“Ăn no mặc ấm” rồi mới đến “ăn ngon mặc đẹp”
Trong những bộ ảnh của Nhố trên facebook chị, có thể thấy bé ăn mặc rất đẹp và đáng yêu. Chị có tốn tiền cho trang phục đi chơi và đi học của con không?
Trẻ tuổi này thay đổi từng ngày, quần áo mỗi nằm thay vài lần vì cộc. Tôi không chủ trương mua thừa thãi. Nhưng tâm lý mẹ trẻ, lại có con gái nên vẫn thích làm điệu cho con. Nhưng chi tiêu cho quần áo cũng cần cân đối với các mục khác.
Quần áo bé mặc không phải tất cả do mẹ mua, còn có ông bà nội ngoại và thi thoảng được mọi người tặng nữa. Về phía mình, tôi hay chọn đồ đơn giản cho cháu, không quá cầu kì. Đồ đi học tôi ưu tiên các trang phục gọn gang, dễ hoạt động.
Những tiêu chí nào chị đặt ra khi chọn mua quần áo cho bé?
Thứ nhất là chất liệu. Tiếp theo mới đến kiểu dáng.
Vậy chị nghĩ là những đứa bé thường xuyên được trưng diện như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý phát triển khi lớn lên như thế nào?
Tôi không chủ trương “chưng diện”, nên không lo về những ảnh hưởng của nó. Tôi nghĩ mong muốn làm đẹp cho con (hay mong muốn làm đẹp của con) là một nhu cầu chính đáng. Trẻ nhỏ hay người lớn thì đều… thích đẹp. Nhưng nên dạy trẻ cái đẹp trước hết ở sự gọn gàng, sạch sẽ.
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay thì thích cho con ăn mặc hàng hiệu và trang điểm cho con từ sớm thì chị nghĩ sao về điều này?
Đó là việc cá nhân của mỗi người. Qua cái thời “ăn no,mặc ầm” thì người ta sẽ mưu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”. Khả năng kinh tế đủ đáp ứng nhu cầu mua hang hiệu cho con thì họ mua. Đâu có vấn đề gì. Nhưng tôi không đồng tình việc trang điểm sớm cho trẻ. Tuổi này sức khỏe của các cháu cần được đặt lên hàng đầu, làm đẹp là thứ phụ.
Chị nghĩ tuổi của bé lúc này đã cần quan tâm đến việc giữ gìn vóc dáng chưa ạ?
Tuổi này ư? Các cháu đã có đâu mà giữ? (Cười). Tuổi này là tuổi “phát triển” vóc dáng chứ nhỉ.
Chị có bao giờ nghĩ sẽ cho con mình tham gia các hoạt động giải trí như làm người mẫu nhí hay đi đóng phim, ca nhạc?
Tôi chưa có ý định đó. Bé Nhố hiện giờ vẫn theo học lớp năng khiếu múa và vẽ ở trường vì sở thích chứ không xuất phát từ nguyện vọng của mẹ.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị!