Trong thời kỳ đeo ba lô ngược, sức đề kháng cơ thể của người mẹ giảm sút hơn so với bình thường. Bên cạnh đó sự thay đối của hormone trong cơ thể đi kèm với những biến đổi về sinh lý ở giai đoạn này khiến chị em dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Vì thế cơ thể dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đặc biệt là viêm nhiễm đường hô hấp.
Do vậy nhằm hạn chế ho khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch rửa tay kháng khuẩn khác. Bên cạnh đó, uống đầy đủ 1 cốc nước cam hàng ngày, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đầy đủ sẽ giúp chị em tránh được những cơn ho như muốn lộn ruột ra ngoài.
Hormone thay đổi khiến chị em dễ mắc ho. Đặc biệt, trong lúc “đeo ba lô ngược”, thai phụ nên tránh tiếp xúc tại chỗ đông người để phòng chống nhiễm virut cúm, rubella. Nếu cơn ho dai dẳng, có nhiều đờm, kèm đau ngực, khó thở, sốt cần đi khám để phát hiện các bệnh như viêm phế quản, lao ….kịp thời.
Trong trường hợp ho thông thường, chị em có thể tham khảo những bí kíp dân gian dưới đây.
Quất + mật ong
Chia sẻ kinh nghiệm trị ho hiệu quả khi bầu bí với các thành viên trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, chị T.A (Hà Nội) cho biết: “ Hồi mình có bầu Na tuần thứ 9 ho nôn cả ruột, tưởng đâu con tuột ra luôn vậy. Lo lắm vì mỗi lần ho là cơn co thắt bụng làm đau kinh khủng. Vậy mà mình làm cách này chỉ cần kiên trì 3 ngày là khỏi luôn. Quất 10 quả, các mẹ mua quả còn vỏ xanh về rửa sạch, bổ đôi, để nguyên vỏ. Cho vào bát rồi thêm mật ong xâm xấp. Trộn đều cho thấm rồi đem hấp cách thủy 15 phút, ăn dần cả ngày”.
“Chịu khó ăn liên tục trong vòng 3 -4 ngày thì nhất định sẽ khỏi. Các mẹ chú ý ăn luôn cả quả quất nhé chứ không phải chị uống nước đâu. Nhai và ngậm từ từ trong miệng rồi nuốt nhè nhẹ sao cho lan đều vị the quả cổ chứ đừng nuốt sẽ tốt hơn. Chúc các mẹ mau khỏe nhé”.
Lá diếp cá + nước gạo
Trong tâm trạng vui mừng vì vừa được lên chức bà nội, bà H. N (Hải Dương) tiết lộ bài thuốc trị ho hiệu quả từ lá diếp cá và nước gạo đã được cô con dâu sử dụng thành công: “Nhớ đợt ấy con dâu tôi đang mang bầu thằng cu Kiến vì thời tiết nhạy cảm nên bị ho đến khản cả cổ. Sợ ảnh hưởng tới bé nên con nó tức tốc gọi điện về nhà cho tôi”.
“Thế là tôi liền chỉ đạo từ xa, bảo con đi mua một ít rau diếp cá tươi xanh về. Sau đó rửa sạch sẽ, ngâm nước muối pha loãng cẩn thẩn. Chắt lấy nước vo gạo, đổ vào xoong nhỏ chừng một bát ô tô rồi thả diếp cá vào đun sôi 15 phút thì bắc ra để uống khi còn ấm. Thế rồi con tôi khỏi đấy mà may mắn là sau đấy không bị tái phát nữa, mẹ và con đều khỏe mạnh cả”.
Nghệ + muối/ sữa
Một mẹo chữa ho khác cũng được nhiều mẹ bầu quan tâm là sử dụng nghệ. Chị N.M truyền lại kinh nghiệm của mình như sau: “Các mẹ lấy một nửa cốc nước nóng cho một ít muối vào sau đó cho nửa thìa bột nghệ. Khuấy đều và uống ngày một lần, uống khoảng 3 ngày là khỏi. Nếu không thích uống bột nghệ với muối, chị em có thể thay bằng sữa nhé. Đun lên rồi uống mỗi sáng và tối sẽ hạn chế được ho và đau họng đấy. Em đã thử nghiệm cách này rồi hiệu quả lắm mà cũng đơn giản, dễ làm nữa”.
Tỏi + mật ong
Tỏi là gia vị thường dùng trong chế biến một số món ăn. Tuy nhiên các mẹ có thể sử dụng tỏi để trị ho như cách mẹ L.T mách dưới đây: “Hồi em mang bầu, trời mưa nhiều nên suốt ngày lo lắng vì ho nhiều. Sợ uống thuốc ảnh hưởng đến con nên em chẳng dám uống chỉ cố gắng nhắm mắt nhắm mũi uống nước tỏi hàng ngày. Ngoài ra em còn đập dập 5 nhánh tỏi, trộn đều vào mật ong rồi đem hấp cách thủy. Các mẹ để ý tới khi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (không cần để tỏi quá nhừ). Để nguội uống 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1-2 thìa cà phê trong vòng 3-4 ngày là khỏi nhé”.