“Cháu sắp chết rồi bà còn cấm cháu làm gì”, câu nói của cậu bé mới 10 tuổi bị suy thận bẩm sinh (Thanh Trì, Hà Nội) khiến bà ngoại đã gần 70 ứa nước mắt vì thương mà không biết làm cách nào để cứu cháu.
Cậu bé ấy là Nguyễn Văn Thường, ở thôn 3, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội, là cháu ngoại của bà Đinh Thị Xê. Mặt cậu bé lúc nào cũng hồng hào như người say rượu. Thường lầm lì, ít nói, mới 10 tuổi nhưng bụng của cậu phình to như có bụng bia.
Lúc sinh cậu được 2,7 kg, hàng xóm ai cũng mừng vì “cô Huê (mẹ Thường) hâm hâm thế, không chồng mà kiếm được thằng con kháu khỉnh”. Thế nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu, lên 3 tuổi tự dưng toàn thân cậu bé phù hết cả, bộ phận sinh dục xệ ra, ngồi lâu là lại choáng.
Đưa Thường lên bệnh viện ở Ngọc Hồi khám thì gia đình mới biết cậu bị suy thận bẩm sinh, nên mới bị phù hết cả người. Từ đó, đều đặn hằng ngày Thường đều phải uống thuốc. Khỏe thì chơi, lúc nào yếu, bỏ cơm, nằm liệt giường thì mẹ lại cho đi viện.
Hai bà cháu Thường trong căn nhà cấp 4 tồi tàn. |
Thế nhưng số phận tội nghiệp của cậu bé đáng thương ấy không chỉ dừng lại ở đó. Sinh ra đã không có bố, lên 9 tuổi mẹ cậu cũng đi biệt, bỏ lại con mang bệnh hiểm nghèo cho người bà đã già chăm sóc.
Hai bà cháu sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, bữa cơm chủ yếu là rau và cơm, có lúc phải hòa nước với muối để chấm rau. Cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền bà Xê tước dây thuê để đan làm lẵng hoa. Mỗi ngày được khoảng 10.000 đồng, chỉ đủ cho hai bà cháu rau cháo qua ngày.
Quệt những giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ, bà Xê ngậm ngùi nói: “Nhiều lần, cháu ốm nặng, nằm liệt giường. Nguy kịch nhất là vào tháng 2 vừa rồi, tôi cứ ngỡ cháu không qua khỏi”.
Đi khám thì bác sĩ bảo không biết cháu còn sống được bao lâu nữa vì hai quả thận đen xì, chỉ dặn cháu thích ăn gì thì cho ăn, nói đến đây bà Xê ứa cả nước mắt vì thương cháu. Nhưng xót xa hơn cả là khi bà nghe điều đó từ chính đứa cháu bé bỏng: “cháu sắp chết rồi bà còn cấm cháu làm gì”.
Từ ngày mẹ bỏ đi, khi Thường được 9 tuổi, cậu càng trở nên lầm lì, ít nói. Ai hỏi gì cũng im lặng, hỏi nhiều quá thì gắt, quát ầm ĩ lên. Cậu cũng không hỏi han gì về mẹ. Có ai hỏi có nhớ mẹ không thì Thường cũng chỉ im lặng.
Nhưng nghe người khác nói không tốt về mẹ, nào là “có cái con đấy hâm châm chập chập mới bỏ con theo một ông già 70 tuổi”, rồi “từ khi bỏ đi, nó chả ngó ngàng gì đến con cả” thì cậu quay đi giấu đôi mắt ngấn lệ, nhưng tuyệt nhiên không khóc thành lời.
Thường rất thích đi nhà trẻ, chơi với các bạn, thích đi học. Nhưng mãi đến năm ngoái cậu bé mới được đi mẫu giáo, rồi đi học lớp một. Thường viết chữ rất đẹp, ham học, tối nào cũng học xong bài mới chịu ăn cơm. Nhưng sau đợt ốm thập tử nhất sinh vừa rồi, cậu bé nghỉ học luôn vì học không nhớ, không vào nữa.
Cũng muốn đưa cháu đi chữa bệnh, nhưng bà Xê không biết kiếm đâu ra tiền. Bà có 7 người con (4 gái, 3 trai) nhưng ai cũng chỉ kiếm được ba cọc ba đồng, không giúp được gì để cứu cháu. Đến cả 300.000 đồng đưa cháu đi khám, bà cũng phải vay ông trưởng thôn, rồi trừ dần vào tiền cho thuê mảnh ruộng (cả năm mới được 200.000 đồng).
Điều bà đau đáu nhất vẫn là số phận của đứa cháu đáng thương nếu một ngày nào đó bà có mệnh hệ gì thì ai sẽ đứng ra nuôi nấng.