Thế hệ các ông bố bà mẹ giàu có đang đau đầu với việc dạy con trẻ của họ như thế nào về cách trân trọng đồng tiền. Trong thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán, kinh tế tăng trưởng nhanh cách đây không lâu, những phụ huynh nói trên đã kiếm được hàng triệu USD tài sản.
Giờ đây họ lo rằng số tài sản trên sẽ bị thế hệ thừa kế tiếp theo tiêu pha lãng phí. Trong cuộc khảo sát năm ngoái do U.S. Trust, một quỹ trực thuộc Ngân hàng Bank of America thực hiện, có 57% người trả lời cho rằng con cái họ chưa đủ khả năng tiếp nhận khối tài sản lớn cho đến khi chúng 25 – 34 tuổi.
Giới chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề trên, tốt nhất là các bậc phụ huynh cần giáo dục cho trẻ về tiền bạc ngay từ lúc nhỏ. Đến khi trẻ đủ tuổi để hưởng một phần khối tài sản thừa kế, chúng đã có kiến thức nhất định về việc làm giàu.
Amy Renkert-Thomas, một nữ doanh nhân năm nay 51 tuổi, kể rằng bà được dạy cách kiếm tiền rất sớm. Ông ngoại của bà là người sáng lập ra hãng đồ chơi nổi tiếng Fisher-Price Toy và bán nó đi năm 1969 với giá 300 triệu USD. Còn bố của bà sinh trưởng trong một gia đình kinh doanh gạch xây dựng, mỗi năm kiếm từ 10 đến 20 triệu USD doanh thu.
Khi bà còn nhỏ, bố mẹ bà thường có những cuộc nói chuyện cởi mở với các con về việc tiền từ đâu ra. Đến năm 21 tuổi, các chị em bà mỗi người được cấp một tài khoản vài trăm USD để họ tập kinh doanh.
Ở độ tuổi 51 hiện nay, bà Renkert-Thomas cho biết những kinh nghiệm đó đã giúp bà rất nhiều trong việc giúp tiền thừa kế tiếp tục đẻ ra tiền. Hiện nay, bà tiếp tục làm công việc tư vấn tài sản cho các gia đình giàu có ở bang Connecticut.
Theo bà cũng như giới chuyên gia, sau đây là các bước để phụ huynh giàu dạy con em mình về tiền bạc:
Kể các câu chuyện làm giàu từ nghèo khó
Trẻ em trong các gia đình giàu thường không chứng kiến quá trình bố mẹ chúng vất vả kiếm ra tiền. Suốt thời thơ ấu, trẻ đã được sống trong ngôi nhà lớn, được đi đây đi đó du lịch.
Một cách để khiến trẻ quan tâm đến tiền bạc là là chỉ cho chúng tường tận quá trình làm ra nó. Bà Renkert-Thomas cho biết khi bà còn nhỏ, trong mỗi chuyến đi dạo quanh thành phố, bố bà thường chỉ cho xem những công trình nhà ở được xây bằng gạch do gia đình sản xuất.
Một khảo sát của U.S. Trust cho thấy có 53% bố mẹ giàu có con 25 tuổi trở lên không nói nhiều về tài sản của mình với con cái. Thậm chí có 8% người chưa từng tiết lộ thông tin gì. Theo các chuyên gia, sai lầm này có thể dẫn đến thảm họa. Họ khuyên rằng cha mẹ nên bắt đầu nói chuyện với các con về tài sản gia đình từ 10 tuổi trở đi.
Một chuyên gia kể một trường hợp bà từng tư vấn, người con trai cả bất ngờ được thông báo hưởng 7 triệu USD thừa kế vào ngày sinh nhật 21 tuổi. Đó là lần đầu tiên cậu được gặp nhà tư vấn tài chính của gia đình. Không chỉ thế, cậu được biết sẽ còn được nhận một khoản nữa khi 30 tuổi. Ngay lập tức chàng trai này bỏ học Đại học, mua một chiếc Ferrari, sau đó gây tai nạn hỏng xe rồi phung phí tiền bạc vào nhiều trò vô bổ khác.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là trẻ cần phải biết mọi chi tiết về tình hình tài chính của gia đình. Các cuộc nói chuyện cần diễn ra trong một quá trình dài, phù hợp theo độ tuổi.
Joline Godfrey, CEO của một công ty giáo dục tài chính ở Santa Barbara, California cho biết công ty của bà dạy tài chính cho trẻ từ 5 tuổi, sau đó dần mở rộng ra các chủ đề khác như quỹ là gì, hay khi đến tuổi trưởng thành thì dạy cách làm hợp đồng hôn nhân.
“Nếu bạn bắt đầu nói chuyện với con sớm, khi 10 đến 12 tuổi trẻ đã có định hướng cơ bản về lý thuyết tài chính. Do đó trẻ sẽ dễ dàng bắt nhập với việc làm giàu hơn là đến khi 19 tuổi mới bắt đầu tìm hiểu”, bà nói.
Lý giải vì sao phải thận trọng
Khi đứa trẻ có cái nhìn chung về tình hình tài chính gia đình, bố mẹ sẽ dễ dàng hơn khi nói tiếp về tầm quan trọng tính riêng tư. Nhất là trong thời buổi hiện nay, trẻ vị thành niên luôn đắm chìm trong các mạng xã hội Facebook, Twitter. Nếu trẻ suốt ngày lên mạng miêu tả cuộc sống của gia đình hay lịch trình du lịch, đó sẽ là miếng mồi cho bọn trộm cắp hay kẻ xấu.
Theo đó, những người thừa kế giàu có cần thận trọng với những thông tin của mình, lựa chọn cái nào có thể đưa rộng rãi lên mạng và cái nào chỉ giới hạn cho người thân, bạn bè xem.
Nói đi đôi phải làm
Cha mẹ cần cư xử phù hợp khi giáo dục trẻ. Không thể vừa nói về việc trân trọng đồng tiền vừa tổ chức những chuyến mua sắm phung phí. Tương tự, thông điệp phải đối xử công bằng không còn ý nghĩa nếu cha mẹ lên giọng kẻ cả với những người làm công. “Trẻ phát triển cái nhìn về tiền bạc và sự giàu có thông qua việc quan sát các hành động của cha mẹ hàng ngày”, bà Freel nói.
Nhiều người thừa kế không có cơ hội học về tiền từ lúc nhỏ, nay vẫn chưa muộn để học về tiền. Frank Crocetti, 62 tuổi và là cựu CEO ở công ty Fidelity Investments, nay làm nhà đầu tư cá nhân. Ông cho biết đang gửi con trai 32 tuổi và con dâu đi học các khóa học về quản lý tiền bạc.
Còn Paul Crocetti, một biên tập viên báo chí ở bang Massachusetts cho biết ông không có cơ hội tìm hiểu về tiền thời niên thiếu. “Do đó chúng tôi không thực sự quan tâm về lĩnh vực tài chính, chỉ quan tâm làm gì để tiêu số tiền mình có”, ông nói. Với khóa học tài chính ở lứa tuổi trưởng thành, Crocetti đang nỗ lực học cách hiểu về tiền, ví dụ tái cơ cấu khoản vay để mua nhà.
Khuyến khích trẻ làm gì đó
Cha mẹ có thể phân công việc nhà cho trẻ, hoặc làm việc trong nhà hàng, cửa hàng quanh khu vực. Khi những đứa trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ có thể để trẻ tham gia vào các quyết định tài chính nhỏ trong gia đình, ví dụ làm thế nào để sử dụng xe cộ tiết kiệm hơn.
Với những bài học này, khi đến lúc phải quyết định các khoản tiền lớn, những người thừa kế trẻ tuổi đã có kinh nghiệm kha khá về cách quản lý tiền. Kể cả khi họ thất bại, đó cũng sẽ là những bài học quý giá.
Vị chuyên gia nói trên kể chuyện về khách hàng của mình, một cậu con trai mới ngoài 20 tuổi xin mua nhượng quyền của một nhà hàng. Dù còn trẻ, nhưng cậu đã có hơn năm kinh nghiệm làm việc trong nhà hàng trên. Cha cậu đồng ý tài trợ cho vụ mua bán sau khi nghe bản kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, sau 3 năm rưỡi với khoản đầu tư 1,5 triệu USD, cậu đã thất bại.
Tuy nhiên không nản chí, người thừa kế trẻ tiếp tục tham gia một dự án khác và cho đến nay vẫn tiếp tục nỗ lực để thành công. Các chuyên gia nói: “Hãy để trẻ phạm sai lầm và tự gặt lấy kinh nghiệm”.
Quay trở lại với bà Renkert-Thomas, vị chuyên gia tư vấn tài chính 51 tuổi. Bà từng được quản lý tài khoản trị giá vài trăm USD để kinh doanh khi bước sang tuổi 21, giống như mẹ bà cũng từng được ông ngoại mở tài khoản trước đó.
Với tài khoản của mình, bà từng nhiều lần phạm sai lầm tài chính như mua sắm quá tay hoặc chi các khoản không cần thiết. Tuy nhiên điều đạt được là từ lúc trẻ, bà đã biết nhìn tiền bạc như một nhà đầu tư. Và nay, khi các con của bà đang ở độ tuổi 20 và 18, bà cũng bắt đầu lập tài khoản để chúng bắt đầu học cách quản lý tiền bạc một cách thông thái.