Mấy hôm nay tôi đi đón con ở nhà trẻ về mà thấy lòng nặng trĩu. Chẳng là các cô giáo ở lớp phàn nàn về Thỏ – con gái tôi rất nhiều.
Thỏ năm nay mới 3 tuổi, tuy là con gái nhưng cháu nghịch ngợm lại đanh đá vô cùng. Cô giáo bảo: Dạo này Thỏ ở lớp rất hay đẩy bạn ngã, đã thế lại hay giành đồ chơi, cứ có đồ chơi nào mới, đẹp Thỏ lại dành riêng chơi một mình. Bạn nào mà chạy ra xin, mượn hoặc ngỏ ý chơi cùng là Thỏ lao vào cắn, đẩy bạn ngã ra rồi bỏ đi.
Không những vậy, sáng nào Thỏ đi học tôi cũng chuẩn bị thêm đồ để cô giáo cho con ăn bổ sung nhưng Thỏ chẳng bao giờ muốn chia sẻ với các bạn xung quanh, lúc nào con gái cũng chu cái môi cong lên bảo rằng: “ Của Thỏ đấy, bạn không được ăn đâu”
Tôi về nhà mà cứ ngẫm nghĩ mãi, tại sao gần đây Thỏ lại sinh hư như vậy? Trước đây, Thỏ cũng ngoan lắm, tuy biết con là đứa trẻ nghịch ngợm nhưng bé không có những hành động giống như ở lớp bây giờ. Nhà toàn người lớn, không có trẻ con nhưng tôi vẫn cho Thỏ giao lưu, chơi cùng các bạn hàng xóm để có bạn, có bè. Những lúc bọn trẻ nô đùa, chơi cùng nhau tôi cũng để ý Thỏ biết nhường đồ chơi và chơi chung với các bạn rất vui nhưng giờ đây sao con lại biến thành đứa trẻ ích kỷ, không biết nhường nhịn và chia sẻ cùng bạn bè như vậy.
Cách đây nửa tháng tôi bị sốt vi rút, ở nhà không ai chăm con nên đành phải gửi Thỏ về ở với bà nội một thời gian. Bà nội Thỏ vẫn còn trẻ, tuy bà cũng yêu quý cháu nhưng tính bà lại hay hơn thua với mọi người. Hôm trước nhà văn hóa thiếu nhi của thôn tổ chức lễ hội Tất niên cho các cháu, bà bế Thỏ đi 3 vòng liên tiếp để lấy 3 túi quà về, tôi đã góp ý với mẹ chồng rằng: “Thỏ còn bé ăn cũng chẳng được bao nhiêu, mẹ lấy đến 3 túi quà về thì các cháu khác lại hết suất sẽ thiệt thòi không, mà làm thế cháu nhà mình lại có thói ích kỷ chỉ muốn vơ cho mình thật nhiều”. Bà nội cười cười, mặc kệ những lời tôi nói mà tự hào bảo cháu rằng: “ Kệ chúng nó, chúng nó dốt mới không lấy được quà, mình khôn mới có đến 3 túi chứ, đây của Thỏ đây con, con có cả 3 túi nhé, không được cho đứa nào”. Thỏ nghe bà nội nói như được động viên, khuyến khích tưởng là hay lại lao vào bà cười sằng sặc.
Lần khác, tôi đưa con về bà chơi vào ngày cuối tuần, Thỏ và cháu bé hàng xóm cũng giành nhau một món đồ chơi, chắc vì đồ là của bé kia nên bé lấy lại rồi bỏ về nhà, để Thỏ đứng khóc. Thỏ thất thểu về khóc gọi bà nội. Bà biết chuyện mới bảo cháu rằng: “ Thỏ nín đi rồi bà đi mua cho cái khác hay hơn, lần sau con cứ xông vào mặc kệ nó mà lấy đồ chơi nhé, mình phải mạnh hơn mới thắng chứ con”. Tôi ở dưới bếp nghe mẹ chồng dạy Thỏ vậy mà lắc đầu ngao ngán.
Tôi hiểu bà nội rất yêu Thỏ, thương Thỏ nhưng cách bà nuông chiều cháu quá mức lại hay dạy cháu cách hành xử ích kỷ, thô bạo với mọi người khiến tôi nhiều lần muốn đưa con về nội chơi mà phải tìm cách thoái thác.
Mấy ngày tôi ốm nặng, cũng đành chịu chẳng biết làm sao mới gửi con về với bà thì giờ Thỏ đã sớm bắt chước và thực hiện theo những điều bà nói. Đúng thật là trẻ con chưa biết gì, khi được tiếp cận những cái sai, cái không tốt lại được người lớn thêm cổ vũ nghĩ rằng con cháu mình làm vậy là nó khôn, nó giống người lớn khiến trẻ nhỏ càng được dịp “ tái phạm”.
Bài liên quan:
Suốt 3 ngày qua, tối nào tôi cũng nằm đọc sách và kể chuyện cho con nghe nhằm uốn nắn lại con. Tôi bảo cháu rằng: “Bà nội thương con lắm Thỏ ạ nhưng thỉnh thoảng bà cũng sai vì bà nhiều tuổi rồi. Có phải bà bảo con giữ thức ăn cho riêng mình không?” Thỏ nhanh nhảu bảo: “ Có ạ, bà bảo con ăn một mình được nhiều, cho các bạn thì sẽ hết”. Tôi mới nhẹ nhàng bảo con: “ Đấy là bà sai con ạ, có đồ chơi, đồ ăn mình chia sẻ cùng bạn bè xung quanh thì mọi người sẽ cùng vui, cùng cười. Con chơi một mình thì sẽ buồn lắm vì không ai giúp con lúc xếp hình bị đổ, khi các bạn có đồ ngon hơn cũng không mời Thỏ đâu. Có nhiều bạn chơi cùng mới vui con ạ, mai mẹ mang nhiều đồ ăn hơn rồi con chia cho các bạn với nhé! Mà ở lớp con đẩy bạn Bin ngã, Bin đau lắm, con có thương Bin không, Bin đã cho con mượn con mèo máy đấy”. Nghe như vậy con gái mới bắt đầu vâng, dạ và hứa với mẹ sẽ không làm vậy nữa.
Tôi cho rằng, tập cho trẻ cách cư xử đúng đắn, uốn nắn trẻ trước những hành vi sai, chưa đúng đều cần có sự kiên nhẫn để rèn luyện các con. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh chỉ vì mong trẻ sớm làm người lớn, tập theo lối suy nghĩ, hành động của người lớn mà lại hướng các bé làm những điều không đẹp và dần dần hình thành những thói quen sống ích kỷ, cơ hội.Tôi đang chưa biết nói thế nào với bà để cho mẹ chồng không tự ái.