Các bậc phụ huynh muốn đưa con ra ngoài trời chơi nhưng lại sợ nắng, sợ côn trùng cắn, sợ bẩn… ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Điều đó đã hạn chế sự hình thành độ nhạy cảm, sự tinh tế, tính thích ứng cũng như khả năng tư duy, kỹ năng thực hành của trẻ đối với môi trường xung quanh.
Cu Bi sinh ra ở Sài Gòn và khi sáu tuổi lần đầu tiên được về thăm quê nội ở tận Thanh Hoá. Đi qua cánh đồng lúa mới cấy, cháu hỏi ông nội: “Họ trồng cây gì trên bùn vậy ông?” Mới về được ba ngày thì cháu bị cảm vì không quen với thời tiết, còn lũ trẻ hàng xóm thì thoải mái nô đùa.
Rõ ràng trẻ thành thị ít có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên như những đứa trẻ nông thôn, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể giúp trẻ thích ứng nhanh với điều kiện này. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng cha mẹ hãy đi chơi cùng con, như đi công viên, đi dã ngoại… đồng thời định hướng sự chú ý và khả năng quan sát, giúp trẻ cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan như nghe, ngửi, sờ mó, thậm chí là nếm để cảm nhận vị mặn mòi của nước biển.
Hãy để trẻ tự do khám phá trong sự kiểm soát của người lớn. Cha mẹ chỉ dẫn cho trẻ màu sắc khác nhau của các loài bướm, con tắc kè và giải thích cho trẻ biết những màu sắc sống động đó vừa giúp những con côn trùng khoe mẽ với đồng loại, vừa được sử dụng để nguỵ trang trước kẻ thù hay là vũ khí để chúng săn bắt con mồi. Trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh và nhớ được lâu những bài học thú vị này.
Hãy tạo điều kiện cho trẻ nghe tiếng lá rơi, tiếng chim hót, tiếng ve gọi hè hay tiếng dế kêu khi đêm về… Cùng trẻ bắt chước mô tả, diễn đạt lại nhằm phát triển ngôn ngữ và tạo sự hứng thú cho trẻ. Mỗi khi có dịp về đồng quê, hãy cùng trẻ ngửi các loại mùi như hương hoa, mùi quả chín, hương lúa. Hướng dẫn trẻ cách đối chiếu các hương vị ấy với nhau. Cho trẻ ngắm những giọt sương đọng trên lá hay ánh nắng xuyên qua cửa sổ và cùng trẻ mô tả lại bằng những hình vẽ.
Cha mẹ không nên ngần ngại cùng trẻ chạm tay vào các vật như con ốc, thân cây, xây nhà bằng cát, chơi với cỏ cây, rơm rạ… vì như thế trẻ mới có được sự cảm nhận rất thật về thế giới xung quanh. Cùng con quan sát côn trùng hoặc con cóc di chuyển rồi bảo trẻ thực hành, qua đó sẽ hình thành ở trẻ những trò chơi thú vị. Nếu con muốn chạy nhảy, dẫm đạp lên thảm cỏ hay hái hoa, thì đây chính là dịp để dạy con biết cách giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để những cuộc đi chơi trở thành những giờ học bổ ích cho trẻ, thì cha mẹ phải chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết như máy ảnh, kính lúp, đồ ăn nhẹ, nước uống, thuốc sơ cứu…Tuỳ theo từng độ tuổi của trẻ mà tổ chức chuyến đi với khoảng thời gian phù hợp, giúp trẻ cảm nhận được nhiều điều hay từ thiên nhiên mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bé.