Để tránh khuyết tật bẩm sinh cho bé, bạn cần uống axit folic từ trước khi mang thai, sau đó là kết hợp cả “tỉ” việc phải làm để 2 mẹ con được trải qua một thai kỳ khỏe mạnh, vui tươi và an toàn.
Những việc cần làm trước khi mang thai
Nếu đã quyết định săn Ngựa vàng, mẹ đừng đợi khi thụ thai rồi mới quan tâm đến chuyện tránh khuyết tật bẩm sinh cho bé. Bởi nếu trước khi mang bầu, cơ thể mẹ đã không khỏe mạnh, thiếu các dưỡng chất thiết yếu, thì lúc thai nghén, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ – thời điểm thai nhi hình thành các cơ quan quan trọng nhất, cơ thể mẹ có thể sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé, từ đó làm tăng nguy cơ thai nhi bị 1 số khiếm khuyết nhất định. Vì vậy, không có gì là quá sớm nếu mẹ hoạch định và “bắt tay” vào việc chống dị tật thai nhi ngay từ khi còn son rỗi.
Khám sức khỏe tổng quát.
Một số bệnh bạn đang mang có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả 2 mẹ con khi bạn thai nghén, như tiểu đường, cao huyết áp sẽ diễn tiến nặng hơn lúc bầu bí; bệnh thận, suyễn, động kinh … có thể ảnh hưởng đến thai nhi v.v… Do đó, thăm khám trước khi mang thai sẽ giúp bạn cũng như bác sĩ sản khoa kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe và đảm bảo thai nhi phát triển bình thường sau này.
Đây cũng là thời điểm nên chích ngừa 1 số bệnh có thể đe dọa thai nhi nếu bạn vô tình mắc phải lúc bầu bí như cúm, sởi, quai bị, Rubella, viêm gan A, B, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não, uốn ván v.v… Theo ông Nguyễn Nhật Cảm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, thì “tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Tùy vào điều kiện từng người mà có thể tiêm nhiều hay vừa phải các loại vacxin cần thiết. Chị em cũng nên biết rằng nếu không tiêm phòng sẽ có các rủi ro xảy đến cho thai nhi, đơn cử như không tiêm Rubella thì trong những tháng đầu (đặc biệt là 4 tuần đầu) tỷ lệ dị tật bẩm sinh có thể lên đến hơn 50%…”
Từ bỏ các thói quen xấu.
Hút thuốc, uống rượu, sử dụng thuốc tùy tiện, kể cả thuốc bổ, trà thảo dược không rõ nguồn gốc, lười vận động v.v…. đều là những thói quen xấu bạn cần phải từ bỏ trước khi quyết định mang thai bé. Vì nếu bạn, hay chồng bạn hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động sẽ làm tăng tỷ lệ thai nhi dị tật do chất lượng tinh trùng bị giảm, hoặc nâng cao nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu v.v… Uống rượu cũng không hề tốt chút nào cho thai nhi, vì nếu bạn bị nghiện loại thức uống có cồn này trước khi bầu bí, con bạn sau này sẽ phải đối diện với hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, trong đó có dị tật bẩm sinh…
Bổ sung axit folic.
Axit folic đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh như khuyết tật ở ống thần kinh, nứt đốt sống, não úng thủy v.v… Các bác sĩ khuyến cáo, bạn phải uống bổ sung 400 mrg axit folic mỗi ngày trong suốt 3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi muốn có em bé. Ngoài ra, tránh dùng quá nhiều thực phẩm và dược phẩm chứa vitamin A, vì dư thừa vitamin A cũng là nguyên nhân gây dị tật ở thai nhi. Mức khuyến cáo sử dụng là không quá 770 mrg RAE vitamin A mỗi ngày.
Trong thời gian mang thai
Nếu đã thụ thai, việc mẹ làm, ăn uống hay tiếp xúc với các chất hóa học trong môi trường sống xung quanh … cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguy cơ bé mắc phải các tật bẩm sinh. Vì vậy, trong thai kỳ, mẹ cần lưu ý các việc sau:
Tiếp tục uống axit folic.
Vì vai trò quan trọng của axit folic trong việc ngăn chặn dị tật cho bé mà bạn vẫn phải duy trì bổ sung vi chất này ngay khi đã có thai, với khoảng 400 mrg/ngày, và dùng ít nhất là cho đến tháng thứ 3 của thai kỳ.
Tiêu thụ đủ 5 nhóm thực phẩm cơ bản.
Vào mỗi bữa ăn, mẹ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé thông qua 5 nhóm thực phẩm chính: ngũ cốc (với 1 nửa là ngũ cốc nguyên hạt), rau quả (đặc biệt là các loại rau có lá màu xanh đậm), trái cây (ăn nguyên quả tốt hơn so với dùng nước ép hay sinh tố trái cây), sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt và các loại thực phẩm giàu protein (đạm). Ngoài ra nên cho một ít dầu (có nguồn gốc từ cá, các loại hạt hay rau quả) vào thức ăn để cung cấp Omega 3 hỗ trợ bé phát triển trí thông minh, giảm khuyết tật hệ thần kinh. Và mẹ hãy luôn nhớ ăn nhiều chất xơ, hạn chế tối đa các chất béo gây hại khác (có nhiều trong mỡ động vật, thức ăn chiên xào v.v…).
Ăn cá vừa phải.
Cá rất tốt cho sự phát triển của thai nhi vì có chứa nhiều axit béo giúp phát triển trí não bé, nhưng mẹ nên nhớ tránh ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá cờ, cá kiếm, cá mập, cá thu loại lớn v.v…, vì thủy ngân rất độc với cơ thể. Nếu thai nhi hấp thụ thủy ngân qua máu mẹ có thể dẫn đến nguy cơ bị dị tật, quái thai. Do đó, mẹ chỉ nên ăn khoảng 350g/tuần (tương đương 2 – 3 bữa ăn trung bình) các loại hải sản ít thủy ngân như tôm, cá hồi, cá da trơn, cá ngừ (hạn chế ăn cá ngừ trắng dưới mức 170g/tuần).
– Không dùng các dược phẩm chứa cocaine, rượu, thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động, bởi chúng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị tật bẩm sinh ở các cơ quan và bộ phận cơ thể thai nhi như bị tật tay chân, ruột, thận, hệ tiết niệu, tim mạch, bé sinh ra bị sứt môi, hở hàm ếch, ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh, cùng hàng loạt các tác hại xấu khác như sẩy thai, sinh non, trẻ sinh ra bị hội chứng “nhiễm rượu bào thai”, dễ bị đột tử (hội chứng SIDS) v.v…
Uống nhiều nước và ngủ nghiêng sang trái.
Đây là những cách hay để tăng cường lượng máu cung cấp cho thai nhi, giúp bé phát triển khỏe mạnh hơn. Cụ thể, khi ngủ mẹ cố gắng nằm nghiêng, nhất là nghiêng sang trái càng nhiều càng tốt, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ. Đồng thời, duy trì việc bổ sung đủ nước cho cơ thể (uống ít nhất 6 – 8 ly nước, nước trái cây hoặc sữa ít béo, không đường mỗi ngày). Để biết cơ thể đã đủ nước chưa, mẹ bầu chỉ cần quan sát nước tiểu của mình, nếu chúng sậm màu tức là bạn cần phải bổ sung nhiều nước hơn lượng nước bạn đang tiêu thụ hàng ngày.
Tránh xa môi trường có hóa chất độc hại.
Môi trường chứa hàm lượng dung môi, thủy ngân, chì, hơi sơn/ sơn, hay thuốc trừ sâu vượt quá mức quy định là tác nhân chính “đầu độc” thai nhi của bạn. Do đó nếu vì công việc mà phải tiếp xúc thường xuyên những chất độc hại này, tốt nhất mẹ bầu nên trao đổi với cấp trên liệu có thể chuyển sang bộ phận khác trong thời gian bầu bí không nhé. Ngoài ra, cũng tránh tiếp xúc thường xuyên với X – quang. Theo các nghiên cứu khoa học, 3 tháng đầu thai kỳ, các cơ quan của phôi thai rất mẫn cảm với tia phóng xạ, vì vậy tia X dễ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé, hoặc gây ra các loại dị hình ở bào thai. Vào giữa thai kỳ, hệ thống sinh sản, răng và hệ thần kinh trung ương của bé đang phát triển tương đối nhanh, nếu chịu tác động của tia X có thể gây trở ngại cho các chức năng, sinh trưởng ngừng trệ hoặc trí não kém.
Hạn chế sinh hoạt làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Vận động quá nhiều trong thời tiết nóng bức, tắm hơi, xông hơi, tắm nước nóng v.v… đều làm tăng nhiệt độ cơ thể mẹ bầu. Hệ lụy là môi trường nhiệt độ của nước ối cũng tăng theo, dẫn đến các khuyết tật ở bào thai, nhất là vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Không từ chối tham vấn di truyền.
Nếu phát hiện có khả năng thai nhi đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe, hoặc tiền sử gia đình có người thân bị tật bẩm sinh, bố mẹ đừng từ chối các xét nghiệm chẩn đoán mà bác sĩ yêu cầu, hoặc nên tham gia các buổi tham vấn di truyền với những chuyên gia trong lĩnh vực này. Từ đó sẽ giúp mẹ bầu xác định tình trạng phát triển của bé, cũng như có các can thiệp kịp thời, phù hợp và tốt nhất cho thai nhi.
Những lưu ý khác trong sinh hoạt mẹ bầu phải biết.
Đảm bảo ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc trực tiếp với mèo, phân mèo và các loại động vật gặm nhấm để không bị nhiễm bệnh ký sinh trùng Toxoplasmosis, tuân thủ lịch khám thai của bác sĩ, tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa về bất cứ loại vitamin hay thảo dược nào mà bạn đã và đang sử dụng v.v…để giúp bé yêu nhà bạn tránh xa dị tật bẩm sinh, phát triển bình thường và khỏe mạnh.
nam đã bình luận
Xin hỏi bác sĩ Vợ tôi đang mang bầu được 20 tháng nhưng giờ bị bệnh thủy đậu liệu có ảnh hưởng đến em bé không? Tôi rất muốn đưa đi khám ở bệnh viện để cho an toàn nhưng mọi người nói bệnh thủy đậu không được ra gió nên không đi bệnh viện được.
Xin Bác sĩ hãy cho em lời khuyên nên làm như thế nào cho mẹ và bé khỏe? Cảm ơn Bác sĩ.