Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mẹ siêng chăm sóc, trò chuyện và chơi với thai nhi sẽ giúp bé hình thành tính cách tốt, đồng thời gia tăng tình mẫu tử thắm thiết giữa mẹ và bé ngay từ trong bụng mẹ.
Theo tiến sĩ Beatriz Manrique, những thai nhi được mẹ chơi đùa và trò chuyện hàng ngày khi ra đời sẽ có phản xạ nhanh nhạy, giao tiếp xã hội tốt hơn, đặc biệt là sẽ nhận ra được giọng nói của mẹ trong đám đông, cũng như ngừng khóc ngay khi nghe mẹ âu yếm, vỗ về…
Vì vậy, còn chần chờ gì mà mẹ không thực hiện ngay những mẹo nhỏ sau đây để giúp tình cảm mẹ con thêm thắm thiết cả khi bé vẫn là 1 thai nhi bé xíu, xinh xinh trong bụng mẹ?
Thời điểm bắt đầu kết nối với bé yêu
Khoảng tháng thứ ba của thai kỳ, cơ quan thính giác của bé bắt đầu phát triển. Đến 18 tuần tuổi, bé đã có thể nghe được nhịp tim của mẹ và âm thanh của dòng máu qua dây rốn. Từ khoảng 4 tháng đến 5 tháng, bé hình thành khả năng phản ứng lại với những âm thanh đến từ thế giới bên ngoài bụng mẹ. Nguồn nước ối trong bụng mẹ truyền âm thanh khá tốt, nên dù những gì bé nghe thấy có vẻ bị ù như âm thanh mà bạn đang nghe khi ở dưới nước nhưng bé cũng sẽ phân biệt được âm điệu tình cảm của giọng nói, và bé sẽ cảm thấy được dỗ dành và an tâm hơn nếu mẹ nói với bé thật nhẹ nhàng.
Theo các nhà khoa học, thời điểm bắt đầu trò chuyện với bé là khoảng 18 tuần tuổi để bé tập quen dần với giọng của mẹ. Đến tuần 22 thai kỳ, bé đã có thể nghe được tiếng của mẹ và âm thanh bên ngoài rất rõ. Đến tuần 25 thì mẹ sẽ rất vui khi biết rằng, bé đã phân biệt được đâu là giọng nói yêu thương, dịu dàng của mẹ, đâu là tiếng nói trầm ấm của bố. Ngoài ra, mẹ còn có thể chơi với bé bằng cách vuốt ve bụng bầu nhẹ nhàng và thích thú cảm nhận những chuyển động đáp trả rất đáng yêu của bé …
Những mẹo hay giúp bé thêm yêu mẹ
Để hình thành sợi dây liên kết mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và bé yêu trong bụng, mẹ có thể cùng bố, cũng như với anh chị bé thực hành những cách kết nối rất đơn giản như sau:
– Đọc sách cho bé nghe. Mỗi ngày, mẹ hãy dành 1 khoảng thời gian nhất định để cùng bé lạc vào thế giới tuyệt vời của những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn hấp dẫn. Chắc chắn bé sẽ không hiểu nội dung của câu chuyện, nhưng bằng âm thanh quen thuộc, ấm áp và nhẹ nhàng từ giọng nói của mẹ, bé sẽ cảm nhận được thế giới tử cung mà bé đang sống là 1 nơi an toàn, từ đó giúp bé dần hình thành niềm tin và nhân cách tích cực. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, khi nghe mẹ đọc sách, nhịp tim thai nhi sẽ chậm lại, nghĩa là bé đang cảm giác thật bình yên với giọng nói thân thương của mẹ.
– Chia sẻ tình yêu với bé. Đừng đợi đến khi bé sinh ra mới cho bé biết bố mẹ và cả gia đình yêu bé đến nhường nào. Thay vào đó, hãy làm điều này vào lúc bé hãy còn là 1 mầm sống bé xinh ngay trong bụng mẹ. Thường xuyên nói chuyện với bé sẽ giúp bố mẹ và anh chị bé cảm thấy gần gũi với bé hơn, đồng thời những âm điệu thân quen này sẽ xoa dịu bé, giúp bé cảm thấy yên tâm, thoải mái, từ đó sẽ trở thành 1 cô bé hay cậu bé ngoan, ít mè nheo hơn sau khi chào đời. Chưa kể, phần thưởng lớn nhất cho việc này là sự gắn kết tình cảm thiêng liêng không chỉ giữa mẹ với bé, mà là giữa toàn bộ thành viên trong gia đình với nhau.
– Tự nói chuyện với chính mình. Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn các mẹ nhỉ? Nhưng cứ thử 1 lần mẹ sẽ thấy hiệu quả không ngờ của mẹo nhỏ này. Thay vì nghĩ trong lòng, hãy nói ra thành lời với bé, đại loại như “Được rồi, chúng ta cùng nấu một bữa ngon cho cả nhà nào!”, hay “Hôm nay ăn sáng bằng món gì nhỉ?” v.v… Khi bé đã trưởng thành đủ để nghe và nhận ra giọng nói của bạn, những lời nói mà bạn dành cho bé qua chiếc bụng bầu to tròn sẽ giúp hai mẹ con xây dựng mối quan hệ gắn kết đầy thắm thiết, thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi bé đã được sinh ra đời.
– Đừng bỏ qua các cử động của bé. Dù có bận rộn với “trăm công nghìn việc”, thì mẹ cũng đừng bỏ qua các cử động rất đáng yêu của bé, như 1 cú đạp, vặn mình v.v… mà mẹ cảm nhận được. Hãy dùng lời nói thật yêu thương, dịu dàng để đáp trả bé, như “Mẹ ở ngay đây, con yêu”, hay “Con thích đạp mẹ phải không?” v.v…
– Cùng bé yêu nghe nhạc. Những giai điệu sâu lắng, ngọt ngào của âm nhạc không chỉ kích thích não bộ của thai nhi hoạt động tốt hơn, giúp bé nhanh nhạy, thông minh, mà còn là công cụ hữu hiệu để 2 mẹ con cùng gắn kết với nhau ngay cả khi bé chưa chào đời. Mẹ cũng có thể hát ru bé bằng những điệu ru nhẹ nhàng, êm ả. Khi đó, cơ thể và tâm trí mẹ sẽ thật sự thư thái, và bé yêu của bạn cũng sẽ có cùng cảm nhận này.
– Chơi với bé. Vào những tháng cuối thai kỳ, em bé của bạn sẽ “năng động” hơn rất nhiều bằng những cú đạp, xoay người, cựa mình… Và vì vậy, đây cũng là lúc thích hợp để mẹ, bố cũng như anh chị cùng chơi với bé. Cách chơi chung đơn giản nhất là khi bé cử động, hãy chạm nhẹ vào chỗ bé vừa đạp, nếu bé tiếp tục đạp ở vị trí khác, lại tiếp tục ấn nhẹ vào đó … Hay đơn giản là xoa bụng và nói những câu cưng nựng bé như “Bố mẹ thấy cái chân bé xíu của con rồi nhé!”, hay “Đá mạnh quá sau này chắc con sẽ là vận động viên thể thao nè” v.v… Những trò chơi dễ thực hiện này không chỉ giúp bé phát triển tư duy, đẩy mạnh các hoạt động não bộ mà còn giúp bé gần gũi hơn với mẹ, bố và các thành viên khác trong gia đình.
– Thư giãn cùng bé. Mẹ có thể tập Yoga, thiền hoặc đơn giản là ngồi nghỉ ngơi trên ghế, giữa thiên nhiên hay không gian thoáng đãng, trong lành và nhắm mắt, đặt hai tay lên bụng, điều chỉnh nhịp thở để tâm trí thật thư thái, an lành, đồng thời hãy tưởng tượng về những gì bé yêu đang làm lúc này: mút tay, nhào lộn, “tập thể dục” v.v…Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tâm lý mẹ ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tính cách, tâm trạng của bé. Khi mẹ thư thái, yêu đời, bé cũng sẽ có được tình cảm tích cực hơn. Nghỉ ngơi và dịu dàng trò chuyện cùng bé sẽ giúp bé yêu thích hơn những giây phút yên bình bên mẹ, từ đó giúp 2 mẹ con gắn kết với nhau nhiều hơn nữa.
– “Chúc bé ngủ ngon”. Đừng quên nói câu này vào mỗi đêm trước giờ đi ngủ nhé mẹ, vì với giọng nói êm ái, dịu dàng, cùng những âm yếm khi mẹ chạm và xoa bụng bầu, bé sẽ thoải mái, dễ chịu và cảm nhận được tình yêu thương mà mẹ đang dành cho bé….