Tết năm nay, các trường phổ thông được nghỉ khá dài ngày nên nhiều học sinh sẽ rơi vào tình trạng “ngại” học tập. Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có cách áp dụng phù hợp với con cái.
Khuyến khích bằng câu chuyện vui
Theo TS Nguyễn Kim Quý (nguyên giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cố vấn Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567-Bộ LĐ,TB&XH), đồng thời với việc nhắc nhở trẻ quay lại thời gian biểu học tập như trước, duy trì thời gian học lại bài cũ khoảng 2 tiếng/ngày, các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ không nên lười biếng bằng những câu chuyện vui để trẻ thích thú hơn. Chẳng hạn, cha mẹ nhắc trẻ không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều nếu không sẽ bị béo, xấu. Đầu năm cũng không nên lười quá, nếu không sẽ xúi quẩy cả năm…Tất nhiên, những điều này là để trẻ có niềm tin và sẽ trở về kỉ luật học tập.
Không nên “chơi dài”
Chị Tú Anh, chuyên gia tư vấn tâm lý (Trung tâm Tư vấn Thanh Tâm) cho biết, khi đang quen với guồng quay học và học, bỗng nhiên việc học bị đứt quãng một thời gian sẽ khiến trẻ mất thời gian mới lấy lại “phong độ” và hiệu quả học tập. Thực ra, tâm lý đến lớp của trẻ chỉ rơi vào trạng thái “quên tạm thời” do đang hứng thú vì những trò vui của những ngày Tết tác động bên ngoài mà quên đi sự chú ý bên trong. Vì vậy, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ xem lại sách vở, giúp khơi gợi lại niềm yêu thích đi học cho trẻ.
Không học với cường độ cao
Nhiều người cho rằng, sau khi nghỉ Tết, nên cho trẻ học thật căng để trẻ quen với cường độ. Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học Việt Nam), ý tưởng này không tốt vì dễ làm cho trẻ chán học. Các gia đình có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để chuẩn bị cho trẻ trước khi nhập học trở lại, lý tưởng nhất là học theo một cách thức nhẹ nhàng, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Đặc biệt, mỗi gia đình, mỗi cách giáo dục thường ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của các con khác nhau. Sau kì nghỉ dài, sẽ có hai trường hợp xảy ra: Trẻ lười đến lớp hoặc trẻ mong đi học vì nhớ trường, nhớ bạn. Vậy nên, các gia đình cho trẻ nghỉ ngơi lành mạnh, trẻ sẽ lại muốn đến trường.
“Cảnh sát” gia đình
Chuyên gia tâm lý Tú Anh chia sẻ: “Nghỉ Tết dài ngày, cấu trúc giờ giấc, ăn ngủ… của trẻ bị đảo lộn. Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ xem lại cặp sách chuẩn bị đến đâu? Hỏi trẻ sẽ học môn gì trong ngày đầu tiên của năm mới để xem lại sách vở, bài học. Bố mẹ nên hỏi các con đã thuộc bài chưa? Nhiều bậc cha mẹ do bận bịu nên để trẻ tự do quá trong những ngày học đầu năm cũng không tốt. Cha mẹ cần kể nhiều về bạn bè, trường lớp, hỏi các câu hỏi đại loại như: “Con nhớ bạn gì và như thế nào không nhỉ…” để trẻ có mối liên hệ về bạn bè, trường lớp trong suy nghĩ”.
Những món quà nhỏ trong ngày đầu đi học
Đặc biệt, theo chị Tú Anh, đối với lứa tuổi mầm non thường khó kiểm soát hứng thú hơn nên nhiều trẻ rơi vào tình trạng “khóc khản cổ” trong ngày đầu tiên trở lại lớp. Khi đang chơi dài, phải đi học trở lại sẽ khiến nhiều trẻ rơi vào cảm giác rất hụt hẫng. Tuổi này, trẻ dễ chán nhưng cũng nhanh quên. Vì vậy, các giáo viên cần tạo ra sự chú ý có chủ định để trẻ yêu thích đi học lại. Nhiều trường mầm non đã nghĩ ra cách mừng tuổi bằng kẹo, bánh, bóng bay, mở các bản nhạc tươi vui để trẻ quên đi nỗi buồn xa bố mẹ khi trở lại trường.