Theo các chuyên gia tâm lý, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để trẻ được vui chơi mà đây là khoảng thời gian thuận lợi để bé học được các bài học về các tình huống ứng xử, giao tiếp.
Chỉ được 10.000 đồng thôi mẹ ạ!
Mùng 6 âm lịch đầu năm Giáp Ngọ (tức là ngày 7/2/2014), Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCS HCM) nhận được cuộc gọi đầu tiên liên quan đến chuyện mừng tuổi. Khách hàng là chị Hương, ở Thạch Thất, Hà Nội. Chỉ vì chuyện mừng tuổi trẻ con mà không khí Tết trở nên mất vui.
Mùng 3 Tết, vợ chồng chị Hương đến nhà anh Trung chơi. Anh Trung là bạn học cấp ba của chồng chị Hương. Ngày Tết bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng, rồi theo thông lệ, việc đầu tiên là rút phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con. Bé Linh, con anh Trung, khi nhận được tiền mừng tuổi của vợ chồng chị Hương thì mừng lắm, hớn hở bóc ra để kiểm tra xem số tiền là bao nhiêu. Mở phong bao, cháu rút ngay tờ tiền đưa mẹ rồi hồn nhiên nói: “Chỉ được 10.000 đồng thôi mẹ ạ!”.
Câu nói hồn nhiên của bé Linh khiến cho vợ chồng anh Trung và cả vợ chồng chị Hương đều cảm thấy khó xử. Đặc biệt là chị Hương, người trực tiếp mừng tuổi cho bé Linh.
Chị Hương cho biết, năm vừa qua vợ chồng làm ăn thất bát, cả cái Tết Giáp Ngọ trông hết vào số tiền thưởng Tết. Chị Hương làm kế toán cho một công ty nội thất, lương tháng 5 triệu cộng với tiền thưởng tết 2 triệu, tổng cộng chỉ được 7 triệu đồng. Với khoản tiền đó, chị phải thắt chặt hầu bao, đặc biệt là tiền mừng tuổi. Thế nhưng câu nói hồn nhiên của đứa trẻ con bạn đã khiến cho chị Hương không khỏi chạnh lòng.
Thái độ của trẻ thể hiện rõ cách giáo dục gia đình
Ths tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết: Trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt. Thực tế không ít người đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi bị trẻ con chê tiền mừng tuổi ít. Có đứa trẻ hồn nhiên nói ra, có đứa thì thể hiện thái độ. Không hiếm đứa trẻ khi được người lớn mừng tuổi “tiền to” thì biết cảm ơn, nhưng khi nhận tiền “nhỏ” thì không nói lời nào, thậm chí còn xị mặt ra.
Dạy trẻ phép lịch sự khi nhận tiền mừng tuổi
Bé bậc tiểu học có thể nhận diện giá trị của những tờ tiền mừng tuổi trong phong bao. Vì thế để dạy con phép lịch sự, bạn nên dạy bé cách nhận phong bao lì xì bằng hai tay, cách nói lời cảm ơn và không bình luận về số tiền mừng tuổi trước mặt khách. Tốt nhất, bé sẽ cất tiền lì xì vào túi áo và đưa cho bạn sau đó. Nếu bé hiếu động, sợ rơi mất tiền, bạn nên gợi ý để mình giữ bao lì xì cho bé.
Đối với trường hợp của bé Linh, nếu bố mẹ của cháu cảm nhận được sự tổn thương của bạn, chắc chắn họ sẽ phải điều chỉnh lại cách ứng xử của mình về tiền bạc (cụ thể ở đây là tiền mừng tuổi), để thông qua đó dạy con bài học ứng xử. Vấn đề không phải là nhiều hay ít, mà là sự hân hoan vui mừng, là sự biết ơn khi nhận được bất cứ món quà tặng nào từ người khác.
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, thái độ của trẻ về đồng tiền mừng tuổi thể hiện rất rõ cách giáo dục của cha mẹ đứa trẻ đó. Có thể trong cuộc sống, cha mẹ của đứa trẻ đã quá coi trọng tiền bạc hoặc họ quá vô tư không để ý đến việc giáo dục nhân cách cho con thông qua bài học ứng xử đối với tiền mừng tuổi.
“Thực ra những ngày Tết Nguyên đán là dịp thuận lợi nhất để các bậc phụ huynh dạy con trẻ những bài học về lễ nghĩa, ứng xử. Bởi đây là thời gian mà trẻ được giao tiếp với nhiều đối tượng nhất. Kỹ năng ứng xử lại được hình thành thông qua giao tiếp”, ông Hòa nói.
Ths Nguyễn Hồng Lê cho biết: “Ứng xử với tiền mừng tuổi chỉ là một bài học trong rất nhiều bài học cho trẻ trong ngày Tết. Đó là bài học về tri ân tổ tiên, về hiếu nghĩa với bố mẹ, ông bà, về sự lễ phép với người lớn tuổi, là sự nhường nhịn chia sẻ đồ chơi với em nhỏ…Tết là dịp để trẻ được thực hành những bài học làm người này”.
Người Việt Nam thường có quan niệm ngày Tết là ngày khởi đầu của một năm, vì thế thường kiêng kị đối với những điều không may, những sự việc buồn… Đó là lý do vì sao mà các bậc cha mẹ thường có tâm lý cho trẻ chơi một cách thoải mái nhất, không yêu cầu con làm bất cứ điều gì.
Tuy nhiên theo bà Lê, công việc ngày Tết không khó khăn gì, do vậy bố mẹ có thể cho con được làm những việc như mời khách vào nhà, mang bánh mứt mời khách ăn. Bé từ 10 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho trẻ được rót nước mời khách…
Những việc này tưởng như rất nhỏ nhưng giúp cho trẻ được tập làm “chủ nhân” của gia đình. Hơn nữa, khi thấy trẻ làm những việc này, thường khách đến nhà không thể không khen ngợi. Những lời khen ngợi đó càng khiến cho trẻ thích thú hơn với những việc làm có ý nghĩa, nhân cách từ đó được hình thành.
Để tránh phạm vào điều kiêng kị đầu năm, bố mẹ không nên bắt con làm việc hay ép buộc con trẻ làm điều mà trẻ không muốn. Thay vào đó là sự khuyến khích, động viên để trẻ hào hứng và thích thú với những công việc đó. Cùng với những nguyên tắc ứng xử mà cha mẹ đặt ra từ trước, các bậc phụ huynh có thể biến một cái Tết tràn đầy niềm vui với những bài học dạy con đầy ý nghĩa, khởi đầu cho một năm mới thuận hòa, hạnh phúc.