Vì sợ nghỉ việc để chăm con lâu vị trí của mình sẽ có người chiếm mất, tôi ở nhà đúng 3 tháng rồi giao con gái cho osin chăm sóc.
Tôi từng là một cô gái trẻ năng động và hiếu thắng, chính vì vậy mục tiêu của tôi luôn là thành công trong công việc, có một vị trí công việc tốt và được mọi người công nhận. Chính vì vậy, tôi đã không ngừng nỗ lực và phấn đấu trong công việc của mình.
Sau 5 năm kết hôn, bé gái nhà tôi cũng đã 4 tuổi, vì vậy tôi cũng không thể tiếp tục trì hoãn mãi chuyện sinh bé tiếp theo được nữa. Ngày tôi vào viện đi khám và được bác sĩ thông báo kết quả đã có bầu 4 tuần, tôi rút điện thoại gọi về cho chồng. Chồng nghe xong chỉ đáp gọn lỏn một câu: “ Thế là tốt rồi, mừng rồi. Giờ em được nghỉ chế độ 6 tháng, tha hồ ở nhà trông con không phải vất vả như xưa nữa”.
Hồi tôi sinh bé Na, dù được nghỉ 4 tháng nhưng sau khi sinh con 2 tháng là tôi đã quay trở lại công việc, mọi việc chăm sóc em bé đều do bà nội, bà ngoại thay nhau giúp tôi. Vì tinh thần có trách nhiệm cao trong công việc lại nỗ lực phấn đấu nên sau đợt đó tôi được đề bạt lên làm Trưởng phòng Kinh doanh của công ty.
Và lần này dù chế độ có tăng thời gian nghỉ đẻ được 6 tháng thì tôi cũng không thể “chấp hành” được. Ngày chị Trưởng ban nữ công đến thăm 2 mẹ con tôi đã có ý nói xa gần về việc muốn tôi về làm cùng chị cho thoải mái, có thêm thời gian mà chăm con đã khiến tôi thắc mắc mãi. Có khi ở công ty đã có những sắp xếp mới chăng?
Tôi gọi điện lên công ty gặp trực tiếp sếp tổng . Sau một hồi thăm hỏi tình hình sức khỏe sếp cũng thông báo cho tôi luôn: “Vị trí của cô đã được giao cho một cậu thạc sĩ mới đi Nhật về. Cô phải hiểu cho tôi, Phòng kinh doanh là bộ não nuôi sống cả công ty này, cô nghỉ đẻ đến 180 ngày để nuôi con nhưng cái phòng đó 1 ngày không thể không có người quản lý. Nhưng cô đừng lo, không làm quản lý thì làm chuyên viên cũng vẫn đóng góp được cho công ty rồi lại thăng tiến chứ sao”. Nghe sếp nói kiểu vừa đánh vừa xoa như vậy, tôi thấy ức chế, tủi thân vô cùng vì bao năm gắn bó, đóng góp tìm về những hợp đồng béo bở, có giá trị lâu dài cho công ty vậy mà chỉ ít tháng tôi nằm nhà đã bị đá bay không chút thương tiếc.
Vậy là tròn cữ 3 tháng 10 ngày tôi bàn với chồng thuê người giúp việc để trở lại đi làm, giờ bà nội đã vào miền Nam chơi với vợ chồng cô út, bà ngoại thì già yếu rồi không thể đỡ đần con cháu được như trước vì vậy tôi chỉ có thể nhờ người ngoài.
Chồng tôi phân tích các kiểu nhưng tôi vẫn không nghe, cố nguy biện rằng, giờ còn có sữa ngoài, tôi đi làm nhưng vẫn sẽ tranh thủ về buổi trưa cho con bú. Cuối cùng anh ấy bực mình lên đã nói: “ Chẳng ai như cô cả, bao nhiêu người phụ nữ phải tranh đấu, nhà nước thì tốn kém tiền của để phân tích, đánh giá mới đưa ra Luật mới vì nghĩ đến lợi ích của bà mẹ và đứa trẻ vậy mà cô cứ thích một mình một kiểu. Cô muốn làm gì thì làm, nếu có vấn đề gì với con thì đừng trách tôi không nói trước.”
Nghĩ chồng nói thế vì lo lắng nên tôi cũng chẳng giận, chẳng bận tâm những lời can ngăn của chồng và vẫn tìm người giúp việc mới để mau chóng quay lại công ty.
Ngày đầu tiên gặp lại sếp sau mấy tháng ở cữ, sếp bắt tay ra chiều thân mật nhưng sau khi nghe tôi nói về chuyện muốn đi làm trở lại trước thời hạn nghỉ 2 tháng thì sếp mới bắt đầu nói rằng: “Nếu cô muốn đi làm sớm thì phải làm cam kết, đồng thời tôi sẽ sắp xếp để cô chuyển sang bộ phận Chăm sóc khách hàng, cố gắng một thời gian rồi lại thuyên chuyển sau”.
Tôi chán nản, thất vọng nhưng làm kinh doanh chuyện thắng thua là thường tình và chắc chắn tôi sẽ “ phục thù”.
Cả tháng trời đi làm, tôi chỉ được nhận lương cơ bản, vị trí công việc mới mệt mỏi nhưng không đem lại cho tôi sự thích thú. Trong khi ở nhà con nhỏ thì khóc đòi mẹ, tôi cũng tặc lưỡi đành phải chấp nhận chứ biết làm sao.
Đến khi nhận được điện thoại của người giúp việc nói trong sự sợ hãi: “Cô vào viện Nhi ngay đi, cu Ken bị sặc sữa rồi, tôi đã gọi cấp cứu đưa cháu đi viện, cô đến thẳng nhé!”. Buông điện thoại mà người tôi bủn rủn, phóng xe như điên vào thẳng bệnh viện, mồm không ngớt gọi tên con: “Ken ơi, mẹ biết lỗi rồi, con đừng làm sao không mẹ ân hận lắm, cầu trời cho Ken qua khỏi”.
Khi tôi vào viện, chồng tôi đã ở đó rồi, mặt anh đỏ gay giận dữ quát: “Giờ cô còn muốn gì, tôi đã nói nhưng cô đâu có nghe lời, nếu thằng bé có làm sao thì cô đừng có trách tôi”.
Đúng là giờ đây tôi đã tỉnh cơn mê, địa vị, quyền lực, tiền bạc để làm gì khi con cái ốm đau, bệnh tật. Tôi đúng là người mẹ đáng trách.