Đã bao giờ bạn nói với con: “Không được ra đường!” nhưng kết quả chúng vẫn cứ đi? Hoặc “Không được nghịch dao đâu nhé!” và chỉ 2 giây sau bạn thấy con đứt tay? Tại sao bọn trẻ lại thích làm ngược lại những điều bạn nói? Và càng cấm chúng điều gì thì chúng lại nằng nặc đòi làm hoặc lén lút làm bằng được.
Như 2 nhóc tì nhà tôi (một đứa 7 tuổi, một đứa 10 tuổi), khi tôi nói: “Không được đánh đổ sữa ra bàn” là một lúc sau mặt bàn lênh láng sữa. Sau rất nhiều lần đau đầu tìm cách trị bệnh “mẹ nói một đằng, con làm một nẻo” của chúng, tôi nghiệm ra một sự thật rằng: có dại mới nói không với chúng và cho dù tôi đang cố gắng ngăn con làm những điều dại dột hay đang nỗ lực dạy cho chúng điều hay, lẽ phải thì thay vì nói “Không” nên nói điều gì đó khác hiệu quả hơn.
Là cha mẹ, bạn nên làm gì?
Đưa ra chọn lựa thay thế: Nếu mẹ nói với con bằng giọng điệu nhẹ nhàng, thiện ý thì chắc chắn con bạn sẽ đáp lại một cách lễ phép bởi trẻ luôn có tâm lý muốn làm cha mẹ hài lòng. Thay vì nói không, hãy đưa ra cho con một chọn lựa khác.
Ví dụ: Khi con đang nô đùa trong nhà, đừng gắt gỏng quát: “Không được nghịch trong nhà”. Thay vào đó, hãy nói “con chạy nhảy trong nhà dễ đụng vỡ đồ lắm. Hãy ra ngoài sân chơi đi nào”.
Khéo đưa ra cho con những chọn lựa thay thế, cha mẹ mới có thể tạo điều kiện cho con sáng tạo và phát triển tốt về cả thể chất lẫn trí tuệ.
“Lái” sự chú ý của trẻ theo hướng khác: Không dễ đâu nếu bạn muốn ra ‘thiết quân luật’, cấm cản trẻ (nhất là trẻ đang độ tuổi mẫu giáo và tiểu học) làm điều chúng thích, nhưng chỉ cần khéo thương lượng, dụ dỗ là bạn sẽ thành công. Hãy phân tích trường hợp sau: Đi siêu thị với mẹ, bé mè nheo muốn mua hết ô tô lại đến siêu nhân… Bạn sẽ làm gì? Kéo bé đi thật nhanh và nói “Không” ư? Đó không phải là một cách hay. Trong trường hợp này, bạn nên lái sự chú ý của bé theo hướng khác – có thể là nói chuyện cho bé phân tâm…
Hãy lắng nghe lý lẽ của trẻ: Biết làm sao đây khi mẹ đã nói “Không” nhưng con vẫn khăng khăng làm theo ý mình? Đơn giản thôi, hãy yêu cầu trẻ giải thích lý do vì sao chúng muốn làm việc đó. Để làm được điều này, mẹ cần tôn trọng con và đặc biệt là không được sử dụng ‘quyền làm cha mẹ’ để phủ quyết.
Cụ thể, ngoài việc cấm đoán con thì mẹ nên đưa ra những nguyên nhân và lý lẽ cho con biết việc đó là chưa đúng và sau này khuyến khích con trình bày lý lẽ của riêng chúng. Điều này hoàn toàn không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà mẹ đang hướng con đến việc có đòi hỏi thì cũng phải hợp lý, hợp tình. Đây chính là một kỹ năng rất hữu ích cho cuộc sống và công việc của con sau này.