Tại khoa Hô hấp của bệnh viện Nhi Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm ca đến khám và chữa bệnh. Các bác sỹ cho biết, có nhiều em do hít phải khói thuốc lá quá nhiều dẫn tới các bệnh về đường hô hấp.
Theo các bác sỹ và chuyên gia nghiên cứu về sự độc hại của thuốc lá, trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi khói thuốc thụ động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị suy sinh dưỡng và dẫn đến các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm tai giữa, suy giảm chức năng hô hấp… Trẻ em có thể bị nhiễm khói thuốc ngay từ khi còn đang nằm trong bào thai theo hình thức thụ động. Những bà mẹ mang thai hút thuốc lá hoặc có chồng hút thuốc lá sẽ nhiễm chất nicotine và carbon monooxide làm bào thai trở thành “một dân nghiền thuốc lá” bất đắc dĩ, bị thiếu dưỡng khí (oxygen) kinh niên. Các bé này dễ bị chết lúc sinh, nhẹ cân hơn các trẻ khác. Các bà mẹ này cũng dễ sinh sớm (preterm delivery) hơn những bà mẹ không hút thuốc.
Sau khi em bé ra đời, sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá của những người khác trong gia đình. Trong lúc em bé còn trong bụng mẹ, chừng 30% bị nhiễm độc thuốc lá do người mẹ hút thuốc lá trong lúc mang thai, ngược lại sau khi ra đời, hơn một nửa (50%) trẻ em dưới 5 tuổi phải chịu đựng khói thuốc lá do người trong gia đình hút. Trẻ con nhiễm thuốc lá dễ bị chết đột ngột không lý do (sudden infant death syndrome) trong mấy tháng đầu đời. Các trẻ này dễ bị sưng phổi, sưng cuống phổi (pneumoniavon chitis) hơn các trẻ em cha mẹ không hút thuốc. Các trẻ này cũng dễ bị khò khè hơn (wheezing), dễ bị đau tai (viêm tai giữa, otitis media) hơn. Ngoài ra một số nghiên cứu gần đây ở Mỹ và Tân Tây Lan (New Zeland) cho thấy nếu người mẹ hút thuốc trong lúc có bầu cũng như sau khi sinh, những đứa con dễ gặp vấn đề tập tính (behavior problem) như trẻ khó dạy, phá phách (disruptive behavior). Ngoài ra phải kể đến những tai nạn cháy nhà do thuốc lá gây nên mà nạn nhân thường là trẻ em.
Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột, những bệnh về đường hô hấp. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi, … hay làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi.
Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 – 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến Môi Trường Có Khói Thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi con của những người không hút thuốc. Một điều tra khác cho thấy 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà. Tại Hà Nội, gần một nửa dân số phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy mà tuy chỉ có 2% phụ nữ Việt Nam hút thuốc nhưng tỷ lệ mắc ung thư phổi ở họ vẫn đứng hàng thứ tư, chỉ sau ung thư vú, tử cung và dạ dày. Mỗi năm ở Việt Nam có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Trong số đó có những người chết oan vì hít phải khói thuốc của người khác.
Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.
Khói thuốc cũng làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận thức như trí nhớ và khiến nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Một lượng khói thuốc nhỏ trong nhà thôi cũng đủ ảnh hưởng tới khả năng đọc và làm toán của trẻ.
Những tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút trực tiếp mà còn tổn hại đến những người xung quanh, nhất là các em nhỏ. Ngay từ bây giờ, nếu không có hình thức bảo vệ và xử lý kịp thời, số trẻ em của Việt Nam bị nhiễm các bệnh do thuốc lá gây ra sẽ ngày càng tăng lên.