Hỏi:
Tôi có con gái 7 tuổi đang học lớp một. Bé học tốt, cao lớn, ở nhà cũng khá chiều vì có điều kiện kinh tế nên con cần đồ dùng học tập gì gia đình cũng mua cho. Trên lớp có một bé gái khác ngồi cạnh liên tục lấy đồ dùng học tập (bút chì, viết mực, thước kẻ, hộp đựng bút…của con tôi. Nghe con kể, tôi thường chỉ nhắc nhở cháu giữ đồ đạc cẩn thật rồi mua cho cái mới. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, cô bé kia liên tục lấy cắp đồ không chỉ của con tôi mà còn lấy của các cháu khác. Các hụ huynh có phản ánh với cô giáo nhưng cũng không thay đổi được nhiều lắm. Cha của cô bé ấy còn làm ngơ việc con mình ăn lấy đồ của bạn. Được biết anh này làm nghề xe ôm.
Rồi khi chính tôi và cô giáo chủ nhiệm hỏi thăm nhỏ nhẹ và nhắc nhở bé đừng lấy đồ của bạn thì bé ấy chối đây đẩy, dù chính tôi nhìn thấy đồ đạc của con mình trong túi xách của bé khi yêu cầu mở cặp ra để kiểm tra.
Sau đó cô giáo đã cho bé ấy ngồi vào góc lớp để không làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Về phần con gái tôi từ thời gian đó đâm ra sợ hãi không muốn đi học vì nếu để mất đồ nhiều thì mẹ mắng, còn đến lớp lúc nào cũng phải mang kè kè cái ba lô bên người do sợ bạn lấy đồ.
Con tôi bình thường rất ngoan hiền và chơi với các bạn hòa thuận, thảo tính nhưng giờ bé bảo “Con sẽ đi học võ karate để đấm cho những đứa bắt nạt con một cái”. Tôi rất lo khi cháu thay đổi tính khi như thế. Tôi phải dạy con thế nào đây? – (Thu Lan).
Trả lời:
Chào Thu Lan,
Tôi rất hiểu những băn khoăn của bạn khi không biết phải làm thế nào trong tình huống này. Tôi cũng nhìn thấy con bạn đang bị áp lực khá lớn giữa việc giữ gìn đồ dùng học tập để không bị mất mát và việc bị mẹ la mắng, nhưng lại không muốn gây lộn với người bạn cùng lớp.
Vậy điều đầu tiên bạn cần nhìn thấy là những mất mát liên quan đến đồ dùng học tập của con bạn là rất nhỏ (bé học lớp một thì mới dùng bút mực, bút chì, cục tẩy hay một vài tập sách vở) so với việc bé mất hứng thú học tập, mất niềm tin ở bạn bè và trở nên sợ hãi khi đến trường đến lớp. Chính bạn cũng cần thấy sự được – mất khi la mắng con vì chính bé là “nạn nhân” khi bị lấy cắp vừa bị mẹ la mắng. Dù tôi không biết bạn đã nói với con như thế nào khiến bé sợ hãi, nhưng rõ ràng bạn đã thấy hệ quả của việc la mắng này là làm con trở nên bất an, sợ sệt.
Bạn phân vân không biết phải dạy con thế nào?
Về việc con bạn muốn đi học võ vì lý do muốn “Đấm cho những đứa nào bắt nạt con một cái”. Trong giáo dục, phụ huynh nên nhớ rằng bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề. Học võ để rèn luyện thân thể và tự vệ lúc cần thiết là quan trọng, nhưng chắc chắn không phải để đánh bạn cùng lớp khi bị mất đồ dùng học tập. Tôi tin chính bạn cũng nghĩ như vậy nên không thấy bạn đề cập đến viêc cho con đi học võ. Bé chỉ nói vậy vì lúc đó bé giận quá và đôi khi thấy bất lực nhưng không biết làm sao.
Với sự cố mất đồ vặt này, bạn cần dùng nó như một bài học để dạy cho bé tính cẩn thận gìn giữ đồ đạc, tài sản riêng vì biết đâu bé cũng còn hay quên hay không cẩn thận cất giữ đồ dùng học tập trong lớp. Có những em khi mới đi học lớp một, do tính lanh lợi thái quá hay bất cẩn nên thường quên và do chưa có kinh nghiệm về bảo quản và gìn giữ đồ dùng cá nhân nên cũng hay thất lạc, mất mát, bạn bè nhặt được. Nhiều em hay làm mất đồ dùng học tập rồi về nhà sợ bị la mắng nên lại đổ lỗi cho bạn khác.
Ngoài ra với sự việc này, bạn có thể dùng nó như một dịp để bé nhà bạn có thể giúp bạn mình biết tôn trọng đồ dùng người khác hơn, vì thực ra em bé mà bạn cho là lấy đồ dùng học tập cũng đang bị một lối giáo dục lệch lạc khi người cha làm ngơ sự việc ấy (nếu đúng như bạn mô tả).
Theo tôi, để giải quyết sự việc này, bàn cần có những bước đi cụ thể như sau:
Bước 1: Làm sao để con bạn không còn sợ hãi khi đến trường, có lẽ nguyên nhân là do bạn la mắng nhiều khi để xảy ra mất đồ. Vậy nên bạn cần nhẹ nhàng hơn khi bé còn tiếp tục mất đồ để giúp bé vượt qua sự sợ hãi này và tiếp tục hứng thú đi học.
Bước 2: Làm sao để con bạn không còn bị mất đồ và thấy an tâm khi đi học, đây là việc cần thực hiện ngay và nằm trong tầm tay của người mẹ. Bạn không nên mua sắm dụng cụ học tập quá đắt tiền cho con mà chỉ đồ bình thường bạn nào cũng có như vậy sẽ ít có nguy cơ bị lấy hơn. Nếu bạn còn chưa an tâm thì có thể khắc tên, viết chữ lên đồ dùng học tập hay thậm chí mua cặp đi học có khóa để cất giữ đồ đạc kỹ lưỡng hơn.
Khi con bạn vẫn tiếp tục mất đồ dùng học tập (lúc này là đồ rẻ tiền hơn), bạn đừng la mắng con quá nhiều vì như thế sẽ làm bé căng thẳng và sợ hãi. Theo tâm lý tự nhiên khi mất của ai cũng thấy xót, nhưng như đã nói trên là dù sao mất một vài dụng cụ học tập vẫn không quan trọng bằng bé mất hứng thú đến lớp. Tôi thấy rằng việc bé mất hứng thú đến trường thì đó mới là vấn đề lớn, vấn đề thực sự cần được quan tâm hơn.
Bước 3: Cần tìm ra nguyên nhân của việc lấy dụng cụ học tập, có thể vì bạn đó thiếu dụng cụ học tập do nhà nghèo? Nếu đúng vậy thì chính bạn cũng có thể mua một bộ dụng cụ học tập để tặng cho em đó (vì bạn có điều kiện kinh tế hơn). Như vậy bạn vừa giúp em đó không còn lấy dụng cụ học tập của người khác, đồng thời vừa dạy được cho con của bạn tinh thần giúp đỡ bạn bè khi họ gặp khó khăn.
Bước 4: Nếu em đó vẫn còn tiếp tục lấy đồ của con bạn hay của các em khác thì lúc này làm sao để giúp em đó bỏ đi tính xấu ấy? Đó là công việc của cô giáo chủ nhiệm và của những người xung quanh có trách nhiệm. Bạn nên trình bày nhẹ nhàng, kín đáo và có chừng mực sự việc xảy ra để nhà trường và cô chủ nhiệm phối hợp ngăn chặn. Không nên làm lớn chuyện vì có thể làm em đó phải bỏ học hay làm những việc liều lĩnh hơn khi đã bị dán nhãn ăn cắp. Nên nhớ lúc này bạn cần có bằng chứng rõ ràng, kịp thời và đúng lúc để báo với nhà trường hay cô giáo chủ nhiệm.
Ngoài ra tôi muốn trao đổi thêm với bạn là dù cha em đó làm nghề xe ôm nhưng không nhất thiết và không chắc là anh ấy đó đã dạy con mình ăn cắp vặt như vậy. Có thể do cách giáo dục chưa phù hợp hoặc ông bố đó không có thời gian dạy dỗ con chu đáo. Cũng không nên đề xuất cô giáo chủ nhiệm đổi chỗ cho con bạn vì như vậy cách giải quyết cũng không ổn và không triệt để, vì chắc chắn em khác cũng sẽ ngồi vào chỗ đó và sự việc lại tiếp diễn. Nếu đề xuất nhà trường đưa em bé đó ra ngồi riêng thì càng không được vì như thế là phản giáo dục.
Chúc bạn bình tĩnh để giải quyết sự việc tốt đẹp, nhẹ nhàng và nhất là giúp con bạn vẫn thấy vui thích khi đến trường đến lớp. Cách bạn giải quyết nhẹ nhàng và hợp tình hợp lý cũng là bài học cho con bạn hướng tới con người thành nhân sau này.