Tuần đầu sau sinh có thể nói là thời gian khó khăn nhất, khi cơ thể mẹ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, lại cộng thêm áp lực chăm con mọn. Những lời khuyên của chuyên gia dưới đây sẽ phần nào giúp bạn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này:
1. Ngủ càng nhiều càng tốt
Bé sơ sinh ngủ rất nhiều, có thể đến 20 tiếng mỗi ngày nhưng các giấc ngủ thường không kéo dài.
Bạn nên tranh thủ ngủ ở bất cứ nơi nào và bất kỳ chỗ nào, ngủ cùng khi bé ngủ.
Nhưng phải làm sao khi bé quấy đến mức bạn không thể chợp mắt dù chỉ là một giấc ngắn? Lời khuyên cho bạn là hãy tận dụng sự giúp đỡ từ ông bà, chồng, người thân… Bởi lẽ hầu như trong tuần đầu tiên, lúc nào bạn cũng sẽ có người trợ giúp bên cạnh.
2. Hãy nhẹ nhàng với bé
Do mới ra khỏi môi trường tử cung ấm cúng và có diện tích hẹp nên bé sơ sinh thường luôn mong muốn được bế và nựng nịu nhẹ nhàng.
Bạn không cần lo rằng bế nhiều sẽ làm hư bé. Thay vào đó, cần tạo cho bé có cảm giác gần như đang được ở trong tử cung và có những hành động dỗ dành, âu yếm bé sơ sinh như quấn, bế bé đi qua – đi lại… Các bước này tiến hành riêng lẻ hoặc kết hợp có thể là mẹo dỗ bé nín khóc, giúp mẹ không phải đau đầu, lo lắng nữa.
3. Nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi con tự nhiên rất cần được khuyến khích.
Cho con bú mẹ càng sớm càng tốt, đặc biệt là ngay sau khi sinh. Có thể nhờ một bác sĩ, y tá hay người có kinh nghiệm hướng dẫn bạn cho con bú đúng cách, làm sao để bé bám tốt, bạn cần ăn gì cho đủ sữa, căng đau ngực thì phải làm sao hay cách vắt sữa thế nào…
4. Thời gian nghỉ giữa mỗi lần cho ăn phụ thuộc vào bé
Nhiều bé ăn sau mỗi 2-3 tiếng đồng hồ nhưng có bé, cách 1 tiếng là lại khóc đòi sữa mẹ, có bé khác lại là 4 tiếng. Hoặc cùng bé nhưng có lúc bé bú mẹ dày, có khi bé bú mẹ thưa hơn.
Khi cho con bú, bạn có thể thoải mái chọn một tư thế thích hợp, ngồi trên ghế đu đưa, ngồi trên ghế đệm dài hoặc nằm (ngồi) trên giường.5. Khuyến khích bố cùng chăm sóc bé
Bố có thể thay bỉm, “dọn dẹp” khi con ị, bế con hoặc “ê a” trò chuyện cùng bé, tùy thời gian rỗi của bố.
Đừng phán xét, cằn nhằn quá nhiều khi bố chăm con. Bạn có thể tranh thủ ngủ một giấc hoặc rời sang phòng bên nghỉ ngơi để chồng bạn được chăm sóc con nhỏ trong tâm lý dễ chịu.
6. Tắm cho bé
Bé sơ sinh còn nhỏ xíu và dễ trơn tuột khi bị ướt nên nhiều cha mẹ loay hoay không biết phải tắm cho con thế nào.
Hãy thư giãn và tắm cho con thật chậm. Nếu bạn thuê người tắm cho bé tuần đầu hoặc có bà nội (ngoại) giàu kinh nghiệm thì chuyện tắm táp cho bé sơ sinh sẽ không còn đáng lo nữa. Hãy tắm nhanh và thật cẩn thận với bé, tránh để ướt cuống rốn vì khi khô, nó sẽ sớm rụng hơn. Nếu vẫn e ngại, bạn có thể đặt con trên một chiếc khăn tắm; sau đó, dùng chậu nước ấm sạch và một khăn xô mềm, nhúng vào nước, lau rửa từng phần cho con.
7. Phục hồi sau khi sinh
Đau đớn, mệt mỏi, thiếu ngủ, thậm chí là stress, trầm cảm là những triệu chứng dễ gặp phải ở người mẹ sau sinh.
Những gì bạn đang trải qua là điều bình thường mà hầu hết những người mẹ sau sinh đều gặp phải. Theo thời gian, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ dần được khôi phục. Trong thời gian ở cữ, bạn cần luôn có ít nhất một người thân ở bên để hỗ trợ và đảm bảo bạn không phải gắng sức làm việc gì.
8. Các “sản phẩm” trong tã bẩn
Phân đầu tiên của bé là phân su có màu đen hay màu hắc ín. Khi bé ti mẹ nhiều hơn, phân có thể thay đổi từ màu nâu tới màu xanh lá cây hoặc một màu vàng như bánh trứng. Phân của bé thường không rắn mà có khi “tóe” tới ngập bỉm. Lúc này, màu sắc hay kết cấu phân chưa thể phản ánh điều gì về sức khỏe của bé.
Để biết bé có bú mẹ đủ không thì đến ngày thứ 4, bạn có thể phải thay cho bé 4-8 tã/ngày, bé đi tiêu 3 lần hoặc thậm chí nhiều hơn, lên đến 6 lần mỗi ngày đêm. Nếu bạn thấy màu đỏ trong phân của bé thì nên đưa bé đi khám vì màu đó có thể là máu.