Một thực tế đáng lo ngại xuất hiện thời gian qua tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước là nhiều trẻ lẽ ra miễn dịch với sởi (trẻ dưới 9 tháng tuổi) lại đang mắc sởi với tỷ lệ cao.
Cùng với đó dịch sởi 3 năm gần đây hầu như không xuất hiện nay lại có dấu hiệu bùng phát trở lại. Xung quanh vấn đề này ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết:
Thưa ông vì sao sau 3 năm gần như vắng bóng, sởi lại bùng phát với tốc độ mạnh như hiện nay?
Sở dĩ dịch bùng phát mạnh thời gian gần đây nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm chủng sởi nói riêng và tiêm vắc xin nói chung giảm đi đáng kể vì nhiều bà mẹ lo lắng không cho trẻ đi tiêm phòng trước những thông tin về các trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B, Quinvaxem. . .
Tôi lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài dẫn tới tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thấp, trẻ em không được bảo vệ các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin và nguy cơ các dịch bệnh quay trở lại là rất lớn.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, không chỉ ở Việt Nam mà dịch sởi diễn biến phức tạp trên quy mô toàn thế giới, kể cả ở những khu vực dịch đã khống chế, loại trừ được bệnh sởi thì hiện nay số ca mắc sởi đang tiếp tục gia tăng. Ví dụ khu vực châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt Đông Nam châu Á (Trung Quốc, Lào cũng xuất hiện dịch sởi). Việc giao lưu tiếp xúc đông người là yếu tố làm dịch bệnh gia tăng.
Vậy tại sao số trẻ dưới 9 tháng (đối tượng được cho là miễn dịch với sởi) lại nhiễm bệnh với tỷ lệ cao và nhiều trẻ sau khi được tiêm phòng đủ 2 mũi vẫn mắc sởi, thưa ông?
Với trẻ đã được tiêm phòng sởi nhưng vẫn nhiễm bệnh có hai khả năng xảy ra: Một là, trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ (trẻ chỉ tiêm 1 mũi, nguy cơ mắc vẫn rất cao); hai là, số trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể bị sởi (tỷ lệ này rất thấp), do tỷ lệ phòng bệnh sau tiêm phòng không thể đạt được ở mức 100%, vì hiệu lực của vắc xin chỉ đạt tỷ lệ 95- 98%. Như vậy vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ những trẻ được tiêm chủng đủ số mũi nhưng vẫn có thể bị mắc bệnh sởi. Nhưng số đó là rất ít, nếu được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo chất lượng thì có khoảng 95% trẻ được bảo vệ.
Còn về tình trạng nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi, đây là một điều bất thường, bởi thông thường, trẻ sinh ra trong 9 tháng tuổi sau khi sinh đã có kháng thể của người mẹ truyền sang và giúp bảo vệ trẻ không mắc sởi. Do vậy, trẻ từ 9 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu cần tiêm vắc xin sởi khi mà kháng thể của người mẹ giảm đi.
Trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh này có thể do ba nguyên nhân. Thứ nhất, do bản thân người mẹ chưa mắc bệnh sởi bao giờ vì vậy không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ cho trẻ qua nhau thai và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang. Do vậy, trẻ dễ bị mắc bệnh sởi.
Thứ hai, do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó rồi, nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho trẻ không mắc bệnh sởi. Ngoài ra có thể vì một lý do nào đó hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau vài tháng sau sinh.
Thứ ba, do hiện nay có xu hướng các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ nhằm giữ vẻ đẹp cơ thể. Đương nhiên khi đó trẻ không được hưởng tính miễn dịch với sởi từ sữa mẹ truyền sang, nguy cơ nhiễm sởi ở mức cao.
Hiện nay nhiều bà mẹ đã bỏ tiêm phòng sởi cho trẻ muốn quay lại tiêm phòng nhưng đã quá thời hạn tiêm, bên cạnh đó nhiều bà mẹ có trẻ chưa đến 9 tháng tuổi muốn đưa trẻ đi tiêm để phòng bệnh. Ông có lời khuyên nào với đối tượng này?
Thời điểm tiêm phòng tốt nhất là khi trẻ được 9 tháng tiêm mũi 1, 18 tháng tiêm mũi 2. Tất cả những trường hợp đến lịch tiêm chủng nói chung và tiêm sởi nói riêng (và chưa mắc sởi) thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Với trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng, tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng sốt phát ban nghi sởi để tránh lây lan. Tăng cường dinh dưỡng để tăng miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ.
Với người trong độ tuổi trưởng thành, chưa bị sởi thì cũng nên tiêm phòng để phòng bệnh.
Trong thời gian tới, Hà Nội có kế hoạch nào để kiểm soát dịch sởi nói chung và dịch bệnh nói chung?
Việc phòng chống sởi có 2 nội dung: Thứ nhất là phát hiện sớm, điều tra bao vây khoanh vùng xử lý dập dịch sớm theo quy định của Bộ Y tế; thứ hai là tổ chức tốt công tác tiêm chủng để bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (đến lịch tiêm mà chưa tiêm), đó là cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến cáo bà mẹ nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch vì nếu ngại đưa trẻ đi tiêm phòng, không chỉ có sởi mà còn nhiều dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.