Thai ngoài tử cung, dễ bị sẩy thai v.v… là 1 số rủi ro có thể gặp phải nếu dính bầu khi đang dùng thuốc ngừa thai hay đặt vòng.
Mặc dù tỷ lệ thành công của các biện pháp tránh thai hiện nay như đặt vòng, dùng thuốc viên v.v… là khá cao, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chị em bị “vỡ kế hoạch”. Dính bầu ngay khi đang sử dụng các biện pháp ngừa thai khiến nhiều bà bầu mất ăn mất ngủ vì không biết có nên giữ lại thai nhi hay không? Cũng như rất hoang mang, lo lắng vì liệu các biện pháp ngừa thai từng sử dụng có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé sau này…
Rối bời vì “dính bầu” khi đang “kế hoạch”
Những biện pháp tránh thai hiện đại như đặt vòng, dùng thuốc viên khẩn cấp hay thuốc dạng phối hợp, tiêm thuốc ngừa thai v.v… đang được sử dụng phổ biến hiện nay cho tỉ lệ ngừa thai khá cao: đặt vòng có tỷ lệ thành công từ 98 – 99%, thuốc tránh thai khẩn cấp là khoảng 60 – 90%, thuốc tránh thai dạng phối hợp là 99%, tiêm thuốc giúp ngừa thai đến 98% v.v…, tuy vậy vẫn có trường hợp bị “vỡ kế hoạch”. Một thành viên trên diễn đàn làm cha mẹ có nickname là Thuminh123 cho biết, chị đã có 1 bé gái gần 3 tuổi và đặt vòng gần 2 năm rồi, nhưng không ngờ cách đây 7 tuần chị phát hiện mình mang bầu bé thứ hai. “Dính bầu” ngay khi đang mang vòng nên chị rất lo lắng, nhất là kết quả siêu âm cho thấy vị trí vòng tránh thai rất gần thai nhi, chỉ cách nhau có 4mm. Dù quyết định giữ thai, nhưng mẹ bầu này vẫn thấp thỏm ngày đêm: “Bác sĩ bảo em là cần phải tháo vòng ra, nhưng nếu làm vậy lại gây nguy hiểm cho thai nhi vì có thể thai sẽ bị kéo ra theo cùng với vòng …Hiện giờ em không biết làm sao nữa”.
Cùng cảnh ngộ với Thuminh123, Hoanganh_bk – thành viên của một diễn đàn dành cho mẹ và bé đang hoang mang không biết thai nhi có bị ảnh hưởng gì không vì chị lỡ uống thuốc ngừa thai khẩn cấp khi đang mang bầu khoảng 2 tuần tuổi: “Kinh nguyệt không đều nên mình không biết thời điểm nào nhạy cảm để kiêng cữ. Vì vậy mà có thai đã 2 tuần vẫn chẳng biết, còn vô tư uống thuốc ngừa thai khẩn cấp. Đến hôm qua đi siêu âm mới phát hiện ra thai đã được 7 tuần tuổi, nên bây giờ rất lo và buồn các mẹ ạ, chẳng biết là có nên bỏ bé không. Giữ lại thì sợ con bị dị tật, mà bỏ đi thì thấy còn tội nặng hơn. Chẳng biết làm thế nào cho phải …”
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung – đang công tác tại Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội) thì bất kỳ chị em nào khi gặp phải tình huống này đều không tránh khỏi cảm giác lo âu, căng thẳng, vì sợ thuốc hay vòng tránh thai có thể gây hại thai nhi. Vỡ kế hoạch cũng thường xảy ra ở các trường hợp áp dụng những biện pháp tránh thai phổ biến như dùng thuốc viên phối hợp, dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp hay đặt vòng v.v… Tùy vào hình thức ngừa thai đang áp dụng mà việc ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành, phát triển thai nhi hay sức khỏe của người mẹ cũng sẽ khác nhau …
Không phải cứ “vỡ kế hoạch” là… đình chỉ thai nghén
Điều đầu tiên chị em không may nằm trong trường hợp này nên biết là dính bầu khi đang áp dụng biện pháp ngừa thai sẽ mang đến những rủi ro thai nghén nhất định, nhưng không quá nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Một nghiên cứu năm 2009 đã kết luận là có mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian thụ thai với nguy cơ sinh con nhẹ cân hay sinh non. Tức nếu sử dụng nhiều thuốc tránh thai khi mang thai thì nguy cơ sinh non càng tăng. Đồng thời, trước đây cũng có công trình nghiên cứu khoa học cho rằng sử dụng bất kì loại thuốc tránh thai nào khi bầu bí có thể gây rủi ro đến các vấn đề phát triển cơ quan sinh dục của thai nhi nữ, chẳng hạn như cửa âm đạo hay âm vật. Tuy nhiên, nhìn chung những lo lắng này không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể khi nghiên cứu và quan sát lâm sàng.
Trở ngại dễ thấy nhất khi dùng thuốc tránh thai trong lúc lỡ mang bầu chính là chị em sẽ có thể khó nhận ra những dấu hiệu của thai kỳ, vì các triệu chứng như buồn nôn, đau vú, chảy máu kinh nguyệt bất thường là những dấu hiệu phổ biến của việc thụ thai, nhưng cũng có khi là tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc tránh thai… Vì vậy có thể sẽ không chăm sóc bé trong giai đoạn đầu thai kỳ – vốn là thời điểm rất quan trọng trong việc hình thành các cơ quan, trí não thai nhi – tốt như các mẹ bầu khác. Rủi ro phổ biến khác khi dùng thuốc ngừa thai hay đặt vòng là làm gia tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Với thuốc ngừa thai, nguy cơ thai làm tổ trong ống dẫn trứng khá cao hơn so với các vị trí khác.
Với trường hợp có thai khi dùng thuốc ngừa thai dạng phối hợp, hoặc có thai lại quá sớm sau khi dùng thuốc ngừa thai dạng này (trong vòng 1 – 2 tháng sau khi ngưng thuốc) sẽ làm gia tăng nguy cơ sẩy thai. Nguyên nhân là do các loại thuốc viên tránh thai gây ra sự thay đổi trong tử cung, làm bào thai khó bám chắc vào dạ con.
Ngoài những rủi ro trên thì hầu hết các trường hợp dùng thuốc hay đặt vòng mà lại có thai thì chị em vẫn có thể duy trì 1 thai kỳ khỏe mạnh, bình thường. Theo bác sĩ Dung, khi đặt vòng mà có bầu thì các mẹ đừng quá lo lắng, cũng như không cần phải lấy vòng ra vì nó nằm ngoài ối nên sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi. Với thuốc tránh thai khẩn cấp, do là 1 dạng thuốc nội tiết có tác dụng ức chế sự rụng trứng, ngăn cản có thai, không cho thai làm tổ chứ không hoàn toàn làm hỏng thai. Vì vậy thai nhi cũng không bị nhiều ảnh hưởng, nhất là khi mẹ chỉ lỡ uống 1 – 2 viên…
Do đó, nếu đã quyết định giữ thai lại bạn nên tuân thủ đúng yêu cầu về khám và kiểm tra sức khỏe tiền sản trong suốt thời gian mang thai. Với trường hợp muốn có thai sau khi dùng thuốc ngừa thai dạng viên, nên chờ tới khi dạ con hồi phục theo nhịp sinh học vốn có (thường được khuyến cáo từ 2 – 3 tháng sau khi ngưng thuốc) hãy để thụ thai. Nếu lỡ quên khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp hoặc ngừa thai dạng viên tổng hợp, cần tuân thủ dùng thêm các biên pháp ngừa thai kết hợp theo khuyến nghị của nhà sản xuất để tránh thụ thai ngoài ý muốn.