Vậy là con thêm một tuổi, nhưng với mẹ những thời khắc khó khăn khi con chào đời vẫn như mới hôm qua.
Tôi kết hôn ở tuổi 27. Từ trước đến nay sức khỏe luôn trong tình trạng bình thường, chẳng mấy khi đau ốm nên không ai nghĩ đến khi mang bầu sinh con, tôi lại khổ sở, vất vả nhiều đến thế. Trong thời gian bầu bí, sau khi thực hiện một số xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh thiếu máu trầm trọng. Để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con tôi luôn phải giữ gìn, đi khám và uống thuốc đều đặn để đảm bảo con không bị thiếu chất.
Đã qua 39 tuần thai nhưng tôi vẫn chưa có dấu hiệu sinh nên bắt đầu có chút lo lắng. Đến tuần 40, tôi bị vỡ ối ngay tại nhà, lúc đó cả nhà mới cuống cuồng đưa tôi vào viện. Tôi được các bác sĩ thăm khám và làm rất nhiều các xét nghiệm, tuy nhiên họ không nói với tôi rằng mình bị làm sao mà chỉ bảo “cứ chờ và còn đang theo dõi”.
Sau khi nhập viện 12 tiếng, bác sĩ thông báo với gia đình tôi rằng trường hợp của tôi bắt buộc phải sinh mổ. Ca sinh của tôi khá khó khăn vì bệnh viện còn phải cử người đi mua máu mới có thể tiến hành phẫu thuật. Tôi nằm chờ mà vô cùng hồi hộp, lo lắng trong khi đó những cơn đau chuyển dạ mỗi lúc tần suất tăng dần, độ đau cũng lớn hơn đến nỗi nhiều lúc tôi tưởng mình không thở nổi được nữa. Ban đầu tôi còn cố chịu đau, không dám kêu la nhưng rồi tôi bắt đầu rên hừ hừ. Mọi người trong phòng sinh đều luôn động viên hai mẹ con tôi phải dũng cảm chiến đấu.
Vì thể lực càng lúc càng mệt và yếu dần nên có lần một cô y tá đến đo tim thai cho con tôi nhưng không dò thấy tần số nên vẻ mặt hốt hoảng, lo lắng. Trông thấy vậy, tôi liền hỏi: “ Sao rồi chị ơi?”. Họ không nói gì càng khiến tôi sợ hãi và đến khi đo được nhịp tim của bé thì cả tôi và cô y tá ấy đều thở phào nhẹ nhõm.
Vì tôi bị thiếu máu nên bác sĩ gây mê hoàn toàn cho tôi, chính vì điều ấy nên tôi không có niềm hạnh phúc được trông thấy con ngay khi vừa sinh. Khi tỉnh lại, cô y tá hỏi tôi: “ Chị biết con mình là bé trai hay gái không?” Tôi trả lời: “ Bé nhà em khi đi siêu âm bác sĩ bảo con gái chị ạ!” Đúng rồi đấy, chúc mừng chị có một cô công chúa vô cùng dễ thương. Chị y tá nhìn tôi mỉm cười nhưng tôi vội kéo chị hỏi tiếp: “ Chị ơi! Bé nhà em được bao nhiêu cân vậy?” “ Bé được 2,7 kg, chị cố gắng về chăm sóc con thật tốt thì tháng sau bé vẫn bụ bẵm và khỏe mạnh bình thường thôi. Chúc mừng hai mẹ con chị đã vượt qua được ca mổ khó”.
Tuy cô y tá tốt bụng đã động viên tôi như vậy nhưng tôi vẫn chợt buồn vì 3 tháng cuối đi khám thai, bác sĩ bảo em bé trong bụng mẹ thiếu cân quá, tôi đã phải nghỉ làm hẳn ở nhà để tẩm bổ mong con nặng hơn một chút. Bên cạnh đó bé lại thiếu tiểu cầu giống tôi nên hai mẹ con chưa được gặp nhau ngay. Đúng 12 giờ sau khi sinh, tôi mới được ôm con vào lòng, lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Hạnh phúc vỡ òa khi đón nhận sinh linh bé bỏng, sợi dây kết tinh tình yêu của hai vợ chồng tôi là đây. Nhưng lòng thoáng lo lắng và xót xa khi con gái bé bỏng của tôi còn bị vàng da nữa.
Hơn 1 tuần liền con phải nằm lại viện để bác sĩ soi đèn và tiêm kháng sinh, nhìn tay con chằng chịt những mũi kim tiềm mà tôi không nén được tiếng nấc nghẹn ngào.
Giờ đây bé Kin mà tôi đã được 1 tuổi rưỡi, bé rất thương ba mẹ nên ăn ngoan, ngủ tốt rất ít khi quấy khóc, đồng thời có chỉ số phát triển về chiều cao và cân nặng khá tốt nên tôi đã bớt đi những lo âu thuở đầu. Tôi biết rằng, đối với các bà mẹ giây phút chào đón đứa con ra đời là khoảnh khắc hạnh phúc, thiêng liêng còn đối với tôi điều đó giúp tôi thêm trân trọng và nâng niu những thứ mình đang có. Kin ơi! Xuân này con lại thêm một tuổi mới rồi, ba mẹ chỉ mong con luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn và lớn khôn từng ngày con nhé!