Biết là trái phép, biết là đầy rẫy nguy cơ thiếu an toàn đối với trẻ nhỏ nhưng TPHCM không dễ dàng xóa nhà trẻ tự phát.
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM, ông Hùng Văn Chính – Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay hiện nay toàn quận đang còn 125 cơ sở mầm non và 90 nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) chưa phép đang nuôi dạy 6.122 trẻ. Trong đó có có sở đang nuôi giữ 171 trẻ.
Trong đó, chỉ có 26 cơ sở mầm non tương đối đảm bảo quy định, chờ khắc phục các tiêu chuẩn cần thiết để chờ cấp phép. 47 cơ sở trong tình trạng được xem là có khả năng khắc phục vừa hoạt động vừa… đóng phạt. Còn 52 cơ sở (đang giữ trên 1.600 trẻ) có nhiều nguy cơ nên sẽ cho ngưng hoạt động trong quý 1/2014.
Ông Chính nói: “Biết các nhóm trẻ không phép nhưng không xóa được. Cố gắng lắm chúng tôi mới giải tán nổi 52 cơ sở. Dẹp thì dễ nhưng dẹp rồi gửi trẻ đi đâu?”.
12 trường mầm non công lập ở quận Bình Tân chỉ đáp ứng trên 19% số trẻ huy động ra lớp. Còn trên 80% số trẻ phụ thuộc vào cơ sở ngoài công lập có phép lẫn không phép.
Hay như ở quận Thủ Đức, trường công lập cũng chỉ đảm tránh được trên 11% trẻ. Tại đây 307 điểm giữ trẻ trái phép đang hoạt động giữ hàng ngàn trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thái Thùy Dương – Phó Chủ tịch phường Bình Trị Đông B cho hay, địa bàn mình còn 19 NTGĐ không phép với chi phí giữ trẻ khoảng 1 triệu đồng, có nơi chỉ 600 – 700 ngàn/tháng. Ở đây trông cả thứ 7, chủ nhật, đón trẻ giờ nào cũng được nên phù hợp với điều kiện làm việc tăng ca, thu nhập thấp của công nhân. Tại các trường công lập và ngoài công lập thì chi phí cao hơn, trông trẻ theo giờ hành chính nên công nhân họ không thể gửi con.
“Với số tiền đó, thời gian gửi con dài như vậy họ còn có thể gửi đâu ngoài nhóm trẻ không phép?”, bà Dương đặt câu hỏi để giải thích việc không thể đóng cửa các nhóm trẻ không phép.
Có một thực tế nhiều nhà quản lý phải thừa nhận, dù trái phép nhưng chỉ các cơ sở này mới phù với yêu cầu gửi con của đông đảo công nhân về thời gian, chi phí.
Chưa kể, hiện nay hầu hết các trường công lập, tư thục đều không nhận trẻ 6 – 18 tháng. Nhưng nhóm trẻ không phép lại giải quyết được bài toán này cho người lao động dù trong điều kiện vô cùng bất an, nguy hiểm.
Trao đổi lại buổi khảo sát tại Thủ Đức ngày 11/2, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, nhóm trẻ không phép tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ. Nhà trẻ không phép chủ yếu chỉ nuôi và giữ trẻ chứ không mang tính giáo dục nên ngành giáo dục cũng rất khó để hỗ trợ về chuyên môn.
Còn nhiều vướng mắc trong quản lý như giữa trẻ không phép thì phải giải tán trong thời gian bao lâu? Ai chịu trách nhiệm dân sự đối với hoạt động này? “Bây giờ nơi nào giữ một cháu nhỏ mà xảy ra chuyện gì không an toàn thì trách nhiệm thuộc về ai”, bà Thanh băn khoăn.
Thấp thỏm “sống chung” với nhà trẻ không phép
Hiện nay ở TPHCM còn trên 1.000 cơ sở mầm non trái phép, tập trung nhiều các ở quận vùng ven như Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú…
Nhiều vụ việc bạo hành xảy ra tại các nhà trẻ không phép gây bức xúc dư luận và thực tế điều kiện chăm sóc trẻ vô cùng bất an tại những nơi này làm các nhà quản lý thực sự lo ngại. Nhưng họ rơi vào tình cảnh đóng không xong, để không được. Trong khi chờ đợi các giải pháp mang tính lâu dài, các địa phương đang phải đặt ra nhiều phương án để có thể “sống chung” với nhà trẻ không phép.
Ông Phạm Văn Mười – Phó Chủ tịch quận Bình Tân cho rằng, từ nhu cầu gửi con bức thiết của người dân, trong khi cơ sở công lập, có phép không đáp ứng được nên cơ sở giữ trẻ không phép ngày càng tăng cao.
Hiện nay, quận Bình Tân đang “sống chung” với nhà trẻ không phép bằng cách khuyến khích nơi giữa trẻ bổ sung các điều kiện để được cấp phép. Đây là địa bàn đầu tiên của thành phố mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ cho những người trông trẻ trái phép, đồng thời phổ biến về kiến thức pháp luật cho họ.
“Ngoài ra chúng tôi đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đăng tải trên bản tin, trang web của quận về những cơ sở giữ trẻ không phép giúp người dân biết để tránh gửi con những nơi này”, ông Mười cho hay.
Nhiều nơi khác cũng nghĩ ra đủ mọi cách để quản lý nhà trẻ không phép nhưng cùng lắm cũng chỉ giảm được phần nào mức độ thiếu an toàn. Với điều kiện ở các nhóm trẻ này, cơ sở vật chất kém, người giữ không có chuyên môn, chẳng ai dám đảm bảo ở đây sẽ không xảy ra sự việc trẻ bị nguy hiểm như nhiều vụ việc được phanh phiu. Do không thể “nói không” với các cơ sở trái phép nên nhiều ý kiến đề xuất nên có cơ chế quản lý riêng đối với loại hình này.
Ngoài việc chờ đợi vào công tác quản lý, với những mối nguy hiện hữu ở nhà trẻ không phép thì chính phụ huynh cần phải chủ động đảm bảo an toàn cho con. Bởi không ít vụ việc trẻ bị bạo hành nhưng bố mẹ không hay biết hoặc biết cũng rất thờ ơ, thiếu quan tâm.