Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, toàn quốc có 13 tỉnh được công nhận đạt chuẩn; đến hết tháng 11/2013, có 8.534/11135 xã đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, 323/702 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn. Các địa phương đã quan tâm quy hoạch đất đai để xây dựng trường mầm non công lập ở các phường nội thành, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tăng dân số cơ học nhanh (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh); đầu tư mở rộng đủ diện tích đất cho các trường mầm non (Vĩnh Phúc); dành cơ sở vật chất của khu hành chính cho các trường mầm non (Bà Rịa – Vũng Tàu); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường mầm non, giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, cho thuê đất mở thêm các trường mầm non tư thục; thu hẹp các điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên trẻ 5 tuổi học tại các điểm trường chính (Hòa Bình, Hải Dương).
Cháu nhà trẻ ra lớp tăng bình quân hàng năm 3%; trẻ mẫu giáo tăng 7% năm; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 23%; tỉ lệ trẻ mẫu giáo đạt 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 99,7%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày tăng. Trẻ em mẫu giáo thuộc gia đình nghèo, cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) được hỗ trợ tiền ăn trưa đã góp phần quan trọng thu hút trẻ đến trường và thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN ở các vùng, miền. Nhiều tỉnh đã ban hành chính sách địa phương hỗ trợ thêm đối với trẻ em.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ba năm qua, tại 34 tỉnh thực hiện chuyển đổi trường bán công sang công lập, đã tuyển dụng vào biên chế 39.677 giáo viên (GV) mầm non. Tổng số biên chế của cán bộ quản lý là 33.965/34.130 (99,5%), tăng 9.922 (19,9%); GV mầm non đứng lớp là 154.150/261.480 (59%), tăng 69.544 GV (15,9%). Công tác tuyển dụng và đảm bảo các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cho đội ngũ GV đã góp phần nâng cao đời sống, vị thế và GVphấn khởi, yên tâm gắn bó với nghề.
Ngân sách chi thường xuyên cho GDMN đã được quan tâm hơn. Tổng chi cho GDMN chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp giáo dục địa phương; tỷ lệ chi lương/chi hoạt động đạt bình quân khoảng 83%/17%; định mức chi thường xuyên cho trẻ mầm non ước đạt bình quân 5,5 triệu/trẻ/năm.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ưu tiên vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; lồng ghép, phối hợp với các nguồn vốn, các chương trình, dự án tại địa phương, đặc biệt là chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ để tập trung xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phổ cập GD. Nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, số phòng học kiên cố hóa của GDMN cuối năm học 2012-2013 là 89.022/161.408 (đạt tỷ lệ 55,15%), so với năm học 2010-2011 tăng 23.393 phòng (tăng 7,96%). Ba năm qua, cả nước đã có thêm 877 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 3.331 trường (đạt tỷ lệ 24,2%), tăng 5,3% so với năm học 2010-2011.
Cả nước đã chuyển 4.592 trường mầm non bán công sang công lập. Riêng trong 3 năm học từ 2010 – 2011 đến năm học 2012 – 2013, các địa phương đã chuyển 3.914 trường bán công sang công lập. Cùng với quá trình chuyển đổi này, cả nước đã có thêm 310 trường mầm non tư thục được thành lập mới, nâng tổng số trường tư thục lên 1.347 trường, đạt tỷ lệ 10,5%.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn đánh giá, việc triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, lúng túng trong tham mưu đề xuất các biện pháp và nguồn lực đầu tư cho phổ cập.
Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở một số tỉnh còn khó khăn, thiếu thốn. Số lớp ghép 2-3 độ tuổi vẫn còn nhiều: Lớp ghép 3 độ tuổi có 4.924 lớp (chiếm tỷ lệ 3,3%), lớp ghép 2 độ tuổi có 4.012 lớp (chiếm tỷ lệ 2,6%). Vẫn còn một số ít địa phương thực hiện chương trình 26 tuần ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với nhà giáo ngay trong các cơ sở GDMN công lập. Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài ở một số địa phương chậm được khắc phục. Một số tỉnh/thành phố còn thiếu GV như Thanh Hóa thiếu hơn 2.000 GV, Thái Bình thiếu hơn 1.800 GV và ngay như cả Hà Nội cũng còn thiếu gần 1.700 GV.
Cơ sở vật chất còn trong tình trạng thiếu thốn, còn nhiều phòng học tạm và phòng học mượn (theo số liệu thống kê cuối năm học 2011-2012 cả nước còn thiếu 21.058 phòng học). Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi thiếu. Nhiều địa phương công trình vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Do thiếu phòng học nên mặc dù nhiều địa phương đã triển khai thực hiện chương trình GDMN nhưng chưa học 2 buổi/ngày.
Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số tỉnh/thành phố còn chậm. Một số tỉnh/thành phố không có trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia như Bình Định, Kom Tum, Ninh Thuận…
Việc quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập ở một số địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng không ít cơ sở GDMN tư thục hoạt động không có giấy phép, vẫn còn hiện tượng bạo hành trẻ trong một số trường tư thục và nhóm, lớp gây bức xúc cho xã hội. Các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi do thiếu cơ sở vật chất, cô nuôi dưỡng, dân nghèo khó khăn trong đóng góp ăn trưa cho trẻ, thiếu cơ chế và nguồn chi tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em theo đề án phổ cập.
Tại các xã vùng 135, vùng cao, khu công nghiệp có nhiều lao động nhập cư không ổn định, việc tập trung trẻ để phân lớp theo độ tuổi và duy trì trẻ đi học chuyên cần rất khó khăn do địa bàn rộng, còn nhiều điểm lẻ và các lớp ghép 2 – 3 độ tuổi, thôn bản cách xa nhau, trẻ đi học không đều, việc học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình GDMN mới còn bất cập.
Nguyên nhân dẫn đến những bất cấp này được Bộ GD-ĐT phân tích: Một số địa phương chậm ban hành đề án, kế hoạch phổ cập hoặc đã ban hành nhưng chưa tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đặc biệt đối với các tỉnh vùng khó khăn. Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, nhất là các dự án quy hoạch đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp; thiếu giải pháp quản lý các trường, lớp mầm non ngoài công lập.
Quyết định số 239/QĐ-TTg được ban hành trong bối cảnh kinh tế suy thoái, xuất phát điểm về cơ sở vật chất của GDMN rất thấp; ngân sách nhà nước chi cho Đề án phổ cập GDMN trong 3 năm mới đạt khoảng 46,5% (6.820/14.660 tỷ đồng) thiếu rất nhiều so với nhu cầu; một số địa phương còn trông chờ vào ngân sách Trung ương; chưa làm tốt công tác xã hội hóa để huy động các tiềm năng sẵn có, bổ sung nguồn lực thực hiện phổ cập. Sự phối hợp giữa các bộ trong ban hành văn bản liên tịch chưa chặt chẽ và thiếu kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho GV.