Một thời gian dài sống tại Mỹ đã khiến tôi nghiệm ra lý do vì sao trẻ con Việt cứ mãi cúi đầu khi cô giáo hỏi bài.
Tại sao trẻ con Mỹ lại tự tin hơn con cái chúng ta? Tại sao những đứa trẻ Việt khi cô giáo hỏi cứ cúi gằm mặt không dám phát biểu? Tại sao những đứa trẻ Mỹ sẵn sàng xung phong đứng hát trước một đám đông trong một nhà hàng xa lạ? Trả lời cho câu hỏi này, tôi biết, chúng ta đều có câu trả lời, đó là người Mỹ thì giáo dục con tốt hơn chúng ta, cách dạy con của họ hay hơn chúng ta. Vậy nhưng cụ thể, mẹ Mỹ đã dạy con ra sao, như thế nào thì hẳn không phải ai cũng biết. Từng có thời gian dài sống ở Mỹ, đi qua rất nhiều các tiểu bang từ Đông sang Tây, tôi mới nghiệm ra được cho mình lý do: Vì sao trẻ em Mỹ lại tự tin hơn ta. Đó là vì
Cha mẹ Mỹ dành tình yêu vô điều kiện cho con
Nghe có vẻ không liên quan, vậy nhưng các nhà tâm lý học tin rằng, sự tự tin của trẻ con có phần lớn nguồn gốc từ tình yêu vô điều kiện của cha mẹ dành cho con mình.
Cụ thể là gì? Ngay từ khi trẻ mới chào đời, cho đến suốt cuộc sống sau này của trẻ, mẹ Mỹ luôn để con biết rằng: dù con nặng cân hay còi cọc, khỏe mạnh hay ốm yếu, thông minh hay chậm chạp, biết nghe lời hay nghịch ngợm, xinh xắn hay xấu xí, cao hay lùn….bố mẹ đều luôn yêu con và nuôi dạy con là một người độc lập, không giống như những đứa trẻ khác. Điều này khiến trẻ con Mỹ rất tự tin vì chúng biết, mình không cần phải so sánh với ai và dù có ra sao, chúng luôn nhận được sự ủng hộ vô điều kiện từ cha mẹ.
Ngẫm lại với những đứa trẻ Việt, từ bé đã bị mẹ so sánh về cân nặng, chiều cao, lớn lên lại bị áp lực bới điểm số, bằng cấp. Nhiều bậc phụ huynh Việt tỏ ra ngại ngần trong việc thể hiện tình yêu với con và trước mặt người lạ, luôn cố tình chê con mình với mục địch cho bé cảm thấy bản thân cần cố gắng. Tuy nhiên, cách làm này là sai lầm. Đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti vì chúng chưa bằng người khác, và cha mẹ chúng dường như cũng chưa hài lòng về chúng.
Trẻ em Mỹ được tôn trọng như một người lớn
Lòng tự trọng là một phần tạo nên sự tự tin của con người. Trẻ nhỏ cũng có lòng tự trọng và cần được mọi người tôn trọng. Các trường học và cả gia đình ở Mỹ luôn dạy bọn trẻ về việc tôn trọng lẫn nhau. Một đứa trẻ có thể không giỏi toán như lại có tài lãnh đạo, một cô bé có thể không giỏi văn nhưng lại vẽ rất đẹp…Tất cả các bé đều có ưu điêm riêng của mình và đều phải được tôn trọng, giúp đỡ để phát huy tài năng.
Giáo viên ở trường rất tôn trọng học sinh. Con trai tôi ở Việt Nam học rất giỏi, vậy nhưng sang Mỹ thì bị “khớp” vì so sánh với kiến thức của các bạn, thằng bé chẳng hề là gì. Vậy nhưng bất kể những câu hỏi của con trai tôi có ngô nghê đến đâu, các giáo viên đều trả lời rất tận tình kèm theo những câu nói như “Cô biết câu hỏi này rất khó…”, “Đây là một câu hỏi rất thú vị…” hay “Em đã hỏi đúng vấn đề quan trọng nhất…”. Giáo viên luôn giúp trẻ cảm thấy thoải mái về bản thân mình và can đảm nói lên ý kiến. Trẻ em lớn lên trong một môi trường như vậy liệu có thể không tự tin?
Trẻ em Mỹ trưởng thành từ những đứa trẻ từ bé đã được tôn trọng: Bố mẹ vào phòng con phải gõ cửa, muốn thay đổi đồ gì trong phòng con phải có sự đồng ý của trẻ, những gì liên quan đến con đều phải nói với con, nhật ký của con thì không được quyền mở ra đọc….Mẹ Mỹ biết rằng, một đứa trẻ không được tôn trọng không chỉ không tự tin, mà còn không biết tôn trọng người khác.
Sự tự tin của trẻ được khuyến khích và đánh giá cao
Khi một đứa trẻ được đánh giá cao bởi mọi người, chúng sẽ tự nhiên cảm thấy vui vẻ, muốn khẳng định mình hơn, cảm thấy tự hào và tự tin hơn. Ngược lại, những đứa trẻ hay bị khiển trách, phê bình, thậm chí mỉa mai sẽ cảm thấy như mình luôn thất bại, mặc cảm, từ đó mất đi nhiệt tình trong việc học và trong cuộc sống.
Trường học của con trai tôi thưởng tổ chức các chương trình văn nghệ, mỗi đứa trẻ sẽ lên và trình bày một tài năng của mình. Các phụ huynh sẽ ngồi ở dưới, cùng lấy máy quay để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Và đương nhiên, tiết mục nào cũng nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình nhất. Sự tự tin luôn được khuyến khích ở Mỹ.
Cha mẹ Mỹ tin tưởng vào con cái
Có bao giờ bạn nghe thấy một cuộc đối thoại dạng như “Mẹ ơi con thấy cái áo này hơi nóng” và sau đó người mẹ sẽ đáp lời “Con mặc vào đi. Nóng gì mà nóng”. Mẹ Việt có thể từ chối ý kiến của con và cho rằng lời nói của trẻ không đáng tin cậy và không tin tưởng vào con mắt, cảm nhận của một đứa trẻ. Vậy nhưng mẹ Mỹ thì không. Những đứa trẻ nhiều lần bị từ chối và phản đối ý kiến bởi chính bố mẹ mình lâu dẫn sẽ mất tự tin và khả năng độc lập. Là phụ huynh, cha mẹ Mỹ luôn cố găng tin tưởng vào cảm xúc và quan sát của con mình, để ý đến ý kiến cá nhân của trẻ. Khi trẻ muốn thử điều gì, mẹ Mỹ sẽ cho con cơ hội để làm. Điều đó khiến trẻ con Mỹ có cơ hội để tự tin hơn.
Hãy dạy con như mẹ Mỹ, ta sẽ có được một thế hệ trẻ con mới, tự tin và tự chủ hơn.