Học bơi có rất nhiều lợi ích, đặc biệt, hoạt động này giúp bé thêm tự tin và còn làm tăng tính dũng cảm cho bé.
Trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 10 trẻ bị chết đuối và đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra những tai nạn. Nhận thức được mối nguy hiểm đó, nhiều cha mẹ đã chủ động cho con tập bơi từ rất sớm. Tuy nhiên, cũng nhiều cha mẹ cảm thấy không an tâm khi để bé nhà mình học bơi khi còn quá nhỏ.
Có một tin vui dành cho các mẹ, đó là: Không có khái niệm về thời gian thích hợp cho bé tập bơi. Thực tế, bé có thể học cách bơi từ rất sớm. Đặc biệt, đối với những bé đã được làm quen nhiều với nước, việc học bơi càng trở nên dễ dàng.
Không có bước khởi đầu nào để việc học bơi hoàn hảo hơn bằng cách để bé thích thú lúc được tắm ở nhà. Các mẹ có thể tham khảo 10 bí quyết hữu ích khi tắm cho trẻ, hay mua và xem những đĩa DVD, clip trên mạng hướng dẫn, để cùng bé có những giây phút thật thoải mái, giúp con dễ dàng tiếp cận với nước.
Một khi con đã quen với môi trường nước, cha mẹ hãy bắt đầu những bài dạy bơi đầu tiên. Theo một nghiên cứu ở Australia, trẻ từ 4 tháng tuổi trở đi đã có khả năng để bước vào một giáo trình học bơi toàn diện. Tuy nhiên ở Việt Nam, do thiếu dịch vụ chuyên nghiệp, kết hợp với tâm lý lo lắng của cha mẹ, nên những trường lớp dạy bơi cho trẻ nhỏ (sơ sinh) gần như không có.
Dù vậy, cha mẹ cũng đừng nên vì đó mà bỏ qua quãng thời gian vàng dành cho bơi lội này. Bơi của trẻ sơ sinh là một kiểu bơi đặc thù, dựa trên rất nhiều phản xạ bơi lội bẩm sinh được di truyền từ động vật có vú, trong đó hai phản xạ quan trọng bậc nhất là phản xạ tự đóng nắp khí quản khi đầu chìm vào nước và phản xạ khua chân quạt tay bơi lội trong môi trường nước. Các phản xạ này hình thành một cách bơi điển hình ở trẻ sơ sinh là bơi chìm đầu trong nước, lúc mệt lật mình nằm thở trên lưng, rồi lại úp mình bơi tiếp cho đến khi tới bờ – một cách bơi rất khác so với người lớn, cũng như vô cùng đơn giản để chỉ dẫn.
Do đó, chính bạn, kết hợp cùng những tài liệu dạy trẻ bơi lội, có thể trở thành chính giáo viên bơi lội cho bé nhà bạn. Công việc của bạn hết sức đơn giản, tất cả những gì bạn cần là sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn, để kích hoạt và duy trì những phản xạ bơi lội tự nhiên của trẻ.
Phương pháp dạy trẻ bơi tại nhà
Ban đầu, mẹ hãy để bé tập bơi cùng những vật dụng mềm trong chậu tắm, hồ bơi bằng cao su. Mẹ có thể mang theo đồ chơi để bé thêm thích thú. Sau đó, mẹ nên dạy bé tập những động tác cơ bản như đạp chân, đập tay xuống nước. Thỉnh thoảng, mẹ hãy dội nước nhẹ nhàng từ đỉnh đầu bé xuống.
Khi việc làm đó đã trở thành một thói quen hay phản xạ, cha mẹ có thể lựa những hôm trời ấm, đưa bé ra bể bơi. Ở bể bơi, bạn hãy bế bé từ sau lưng, đồng thời nâng nách bé lên, cho bé đập tay đạp chân thỏa thích. Nếu cha mẹ muốn dạy bé cách ngưng thở khi ở dưới nước, hãy bắt đầu bằng việc để một người khác bế lấy bé, cha mẹ ở bên đối diện và thổi phù vào mặt bé để con nhắm mắt, nín thở rồi nhẹ nhàng đưa con hơi chìm xuống nước. Anh An (Vân Hồ, Hà Nội), một người đã từng áp dụng biện pháp này chia sẻ: “Khi mới kéo con lên sau khi dìm xuống nước, con có hơi giật mình nhưng như thế không bị uống nước hay sặc”. Phương pháp này sẽ dạy bé cách tự ngưng thở khi chìm dười nước. Từ từ, bé nhà bạn sẽ có thể quẫy đạp và tập nổi.
Các mẹ cũng nên lưu tâm đến vấn đề vệ sinh tai, mũi, họng cho bé sau khi bé bơi, bằng cách nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, lau sạch tai, kết hợp đưa đi khám định kỳ.
Việc tập bơi cho trẻ không hề khó, cha mẹ hãy dũng cảm vượt qua tâm lý xót con để bé có thể cứng cáp hơn và phát triển toàn diện một cách tốt nhất.
Lời khuyên cho cha mẹ:
– Hãy để bé thích thú với việc tắm, giúp bé quen thuộc với môi trường nước.
– Không nên ép bé tập bơi khi bé chưa sẵn sàng.
– Từ 4 đến 6 tháng tuổi là khoảng thời gian hợp lý để bé bắt đầu học bơi.
– Nghiên cứu kỹ càng khi chọn môi trường học cho bé.
– Cha mẹ hãy nhớ rằng, học bơi là một quá trình dài vì thế bạn hãy thật kiên nhẫn.