Mới đây, hình ảnh một ông bố ở Trung Quốc cho cậu con trai tắm dưới dòng nước sông Lưu Dương giữa tiết trời lạnh giá. Cậu bé 3 tuổi khi bị bố nhúng xuống nước đã hét lên rất to vì quá lạnh. Tuy nhiên ông bố này vẫn kiên trì giữ con ở dưới nước cho đến khi cậu bé quen với nhiệt độ.
Ông bố ở Hồ Nam cho biết bản thân mình bắt đầu bơi mùa đông từ 1 năm trước đây còn con trai 3 tuổi bắt đầu tập bơi từ mùa hè. Người đàn ông này cho biết ông không hề thấy phương pháp nuôi con của mình là độc ác hay tàn nhẫn. Ông muốn cho con đi bơi mùa đông để nâng cao thể lực và thực ra đi bơi mùa đông rất tốt cho cơ thể trẻ.
Cách nuôi dạy con có phần khác lạ của người bố ở Hồ Nam này đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn làm cha mẹ ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Một số người bày tỏ sự ủng hộ khi cho rằng trẻ con bây giờ quá sung sướng và yếu đuối, dễ ốm đau bệnh tật. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối cho rằng ông bố này quá cực đoan và ngay cả người lớn cũng không thể rửa mặt bằng nước lạnh trong thời tiết như thế này.
Sau khi những hình ảnh này được đăng tải, có một số phụ huynh đã đưa ra câu hỏi về cách làm khác thường của ông bố nói trên. Chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy – Hà Nội) thắc mắc: “Tôi cũng không biết cách làm này có thực sự đưa lại lợi ích tăng sức đề kháng cho trẻ hay không. Con nhà tôi mới hơn 1 tuổi, hay ốm vặt nhưng khi thấy những hình ảnh mà cho con tắm nước lạnh giữa mùa đông đủ làm cho tôi rùng mình”.
Cũng thắc mắc sau khi xem hình ảnh ông bố ở Hồ Nam (Trung Quốc), một phụ huynh khác cho biết: “Tắm nước lạnh giá như vậy đứa trẻ nào chịu được? Ông bố đó nói là để tăng sức đề kháng cho con nhưng với bé nhà tôi chỉ cần tắm nước hơi lạnh một chút là đã ốm, thậm chí viêm phổi rồi. Tôi cũng không biết lời ông bố kia nói là tăng sức đề kháng cho con là có cơ sở khoa học không?”.
Trao đổi với chúng tôi, PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai) bày tỏ quan điểm: “Đó là việc làm của một phụ huynh mà thôi, chứ không có căn cứ hay cơ sở khoa học nào nói việc tắm nước lạnh giữa mùa đông giá rét như vậy là tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tuyệt đối phụ huynh không được làm theo như vậy”.
Về những nguy cơ khi tắm cho trẻ trong nước sông lạnh như ông bố ở Trung Quốc, bác sĩ Dũng khuyến cáo, do cơ thể của trẻ còn yếu, khi tắm nước lạnh như vậy sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm hô hấp, sốt…. “Thậm chí, việc tắm nước lạnh như vậy có thể dẫn đến tử vong với trẻ. Cho nên không được áp dụng theo cách đó”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Khi tắm cho trẻ cần lưu ý ở phòng kín gió, tránh bị gió lùa, nhiệt độ đủ ấm. Trước khi tắm, cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, khăn để lau cho bé sau khi tắm và quần áo, bao tay và chân để tắm xong có thể thay luôn cho bé. Nước sạch, đủ ấm cho bé, trước khi tắm phụ huynh nên nhúng phần cùi tay vào để kiểm tra nhiệt độ nước.
Tắm cho trẻ, cần tắm nhanh nhưng đảm bảo sạch, tuyết đối tránh để bé tiếp xúc với nước quá lâu. Ngoài ra, bác sĩ Dũng khuyến cáo: “Phụ huynh chỉ dùng nước sạch, đủ ấm để tắm cho bé, chứ không nên dùng bất cứ loại lá nào. Bởi vì, các loại lá mọc ở bờ bụi, nếu không được rửa sạch có thể tiềm ẩn gây nhiễm trùng da”.
Về việc tắm từng phần hay tắm toàn cơ thể trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Trưởng khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) trong một tư vấn cách đây không lâu, điều đó tùy thuộc quan niệm của từng người. Trong điều kiện đứa trẻ khỏe mạnh, nước đảm bảo sạch, đun sôi, rốn không nhiễm trùng vẫn có thể cho đứa trẻ vào chậu nước. Khi đứa trẻ bị ốm, nước không sạch hoặc rốn có viêm nhiễm thì cần phải tắm từng phần cơ thể.
Việc giữ vệ sinh cho trẻ là cần thiết, người lớn đi ở bên ngoài trời lạnh không được bế ẵm trẻ sơ sinh ngay. Vì nguyên tắc, nhiệt độ truyền từ nơi cao sang nơi thấp sẽ khiến trẻ bị mất nhiệt. Khi đi bên ngoài về, bụi bặm bám vào quần áo dễ làm trẻ bị viêm nhiễm. Trước khi tiếp xúc với trẻ, lưu ý rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn sạch sẽ.