“Học lệch dẫn đến việc trẻ em Việt Nam kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Mà phàm là con người, không có những hiểu biết ấy thì làm sao mà sống tốt?”, TS Vũ Thu Hương nói.
Sau đề xuất bỏ luyện chữ đẹp, tính nhẩm nhanh với học sinh tiểu học để dành thời gian giảng dạy những kiến thức khác về kỹ năng sống, tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã phân tích những điểm còn yếu và cần bổ sung của cấp học này. Hai tồn tại đáng lưu ý nhất theo chị Hương, là việc đánh giá bằng điểm số và học lệch.
Khi đánh giá học sinh bằng điểm số cộng với bệnh thành tích thì việc học hành sẽ trở nên khô khan và độc đoán. Nhiều bé thực sự thông minh khi học trong lớp nhưng tính ẩu nên điểm số vẫn thấp và bị đánh giá là kém. Ngược lại, nhiều bé chậm nhưng chắc chắn lại được đánh giá là giỏi.
Hai môn Toán và tiếng Việt được đề cao hơn rất nhiều so với các môn khác. Tự nhiên – Xã hội, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công… bị coi là môn phụ khiến cả thầy và trò chỉ chú trọng đến những gì sẽ được kiểm tra, đánh giá và bỏ bê những môn không cần thiết. Học lệch dẫn đến việc trẻ em Việt Nam kém hiểu biết thế giới xung quanh. Mà phàm là con người, không hiểu biết về thế giới xung quanh thì làm sao sống tốt?
“Các cụ ta có câu ‘trên thông thiên văn, dưới tường địa lý’ để nói về một người giỏi giang chứ có ai nói trên thông văn chương dưới tường toán học đâu”, TS Hương nhấn mạnh.
Chị phân tích, về tự nhiên xã hội, giáo dục tiểu học còn thiếu quá nhiều những nội dung quan trọng như văn hóa sống của người Việt Nam, các nước trên thế giới, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc…, chưa tính đến những khám phá tự nhiên quan trọng khác.
Mỹ thuật cũng chưa giới thiệu cho học sinh kiệt tác của những danh họa như Picasso, Leonardo da Vinci…, chưa phân tích kỹ cho trẻ tại sao các tác phẩm ấy lại nổi tiếng, được coi là kiệt tác. Hay những bức họa nổi tiếng của Việt Nam như “Thiếu nữ bên hoa huệ” cũng không được giới thiệu.
Về thể thao, học sinh chưa được học nghiêm chỉnh các bộ môn thể thao như luật lệ, cách thức thi đấu, cách tính điểm… Các em chưa được thực sự tham gia vào các môn thể thao nên rất nhiều em không khỏe mạnh.
Về thủ công, trẻ chưa được học kỹ thuật sử dụng các vật dụng nguy hiểm một cách an toàn như: dao, kéo, kim, búa. Các cách thoát hiểm như thoát khỏi hỏa hoạn, ngập lụt, động đất, các cách ứng phó khi bị bỏng, bị tai nạn thương tích, các cách thoát khỏi các nguy cơ bị đánh đập, bị bắt cóc, xâm hại, hoặc đang bị thì thoát ra thế nào?
Theo chị Hương, nếu những kiến thức này để lên cấp học cao hơn mới dạy thì tầm hiểu biết của trẻ sẽ không đầy đủ. Việc dạy cảm thụ cái đẹp là phải dạy cho toàn dân chứ không phải một bộ phận sinh viên. Mỹ cảm và cảm âm là cái mà ai cũng phải học để còn biết yêu và trân trọng cái đẹp và trẻ cũng cần biết những thông tin mà cả thế giới đều biết.
“Việc cung cấp thông tin thì không có gì là quá tải ở trẻ con. Các em cần đi nghe opera, chèo, cải lương…để còn học về các loại hình nghệ thuật. Càng lên cấp học cao hơn càng cần kiến thức sâu hơn”, TS Hương nói và đặt câu hỏi: “Liệu có cần giữ luyện chữ đẹp và luyện tính nhanh khi trẻ còn thiếu cả loạt nội dung như trên? Và cái nào thực sự cần thiết?”.
Có 10 năm tư vấn dạy con, chị Hương cho rằng kỹ năng sống đối với trẻ là một điều cực kỳ quan trọng. Kỹ năng sống đơn giản là cần thiết cho cuộc sống, trẻ thực sự cần nếu chúng muốn là một con người, muốn sống tốt và sống an lành. Kỹ năng sống bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng và đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước người khác. Như vậy, việc giao tiếp, nói trước đám đông… chỉ là một trong những nội dung của kỹ năng sống.
Khi tai nạn hay tình huống nguy hiểm xảy ra, nếu giỏi văn, giỏi toán mà không biết cách thoát hiểm thì mọi việc giỏi kia trở nên công cốc. Lúc bấy giờ, việc cần làm là phải biết cách thoát ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn và hiệu quả. Những kỹ năng này bao gồm: thoát khỏi hỏa hoạn, ngập lụt, động đất, tai nạn thương tích và xâm hại hay bắt cóc. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng mà khi đối mặt với hiểm nguy mới thấy việc hiểu biết về nó thật sự là tài sản quý giá nhất trong kho tàng hiểu biết của từng cá nhân.
Trẻ cũng cần biết kỹ năng ứng phó, ứng biến. Nhiều tình huống không phải là nguy hiểm nhưng tiềm tàng mối hiểm nguy. Nếu trẻ biết cách ứng xử phù hợp thì thiệt hại sẽ là nhỏ nhất. Ví dụ, có người lạ rủ đi ăn, ăn xong, trúng thuốc mê và tỉnh dậy thì đã bị bắt cóc hay xâm hại. Việc biết trước có những nguy cơ đó là để trẻ tránh không ăn uống những thứ người lạ đưa cho.
Kỹ năng sử dụng vật dụng nguy hiểm cũng khá quan trọng. Những vật dụng này có khả năng gây sát thương nhưng lại không thể thiếu trong cuộc sống như: dao, kéo, kim, búa, đinh, điện… Sử dụng những vật dụng này một cách an toàn là đích mà ai cũng muốn học. Cha mẹ có thể nhiều lần bị thương nên biết và khéo léo trong việc sử dụng, nhưng trẻ con chưa va chạm nên rất cần phải học.
Trẻ cần biết kỹ năng khám phá cuộc sống. Bởi vì một cháu bé dùng máy tính rất siêu, thao tác gì cũng biết nhưng khi đi ra ngoài ruộng lại ngờ nghệch mặc áo đỏ để ngắm nghía chú bò. Trâu bò rất mê màu đỏ, chúng sẽ lao vào húc ngay. Biết cách tìm hiểu và khám phá một cách an toàn, hiệu quả là việc cần phải học ngay. Và chỉ có tự khám phá mới nâng cao liên tục những hiểu biết trong trí não trẻ.
Cuối cùng là kỹ năng thể hiện. Kỹ năng này rất dễ thực hiện nếu trẻ đã có toàn bộ những kỹ năng ở trên. Bởi vì khi trong đầu trẻ là một biển kiến thức và kinh nghiệm sống, việc tham gia vào một cuộc đàm đạo sẽ không khiến chúng quá lo âu và lúng túng. Vì vậy, chỉ cần học cách nói năng cho lưu loát là xong.
“Hãy dạy cho trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc học tập. Hãy bỏ bớt những nội dung không thực sự ý nghĩa để bổ sung những chương trình cần thiết cho trẻ, các cháu thực sự rất cần được học kỹ năng sống”, TS Hương nhấn mạnh.