Lo ngại con mình khác người, nhiều bậc phụ huynh đã ép con chuyển từ viết tay trái sang tay phải. Theo lời khuyên từ các chuyên gia thì đây là sự lựa chọn sai lầm.
Có kinh nghiệm nuôi dạy hai con, nhưng khi Múp Míp bắt đầu vào lớp 1, chị Lê Thị Toản (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn băn khoăn nhiều. Chị chia sẻ, Múp Míp từ khi 3 tuổi đã khác hai anh, bé tỏ ra thuận tay trái hơn tay phải, thường xuyên cầm bút và vẽ bằng tay trái. Bản thân chị cũng chứng kiến những người dùng tay trái viết đã quen, rèn tay phải “cực lắm” nên chị tâm sự, tập cho Múp Míp sinh hoạt bằng tay trái, còn viết vẫn bằng tay phải.
Là kỹ sư công nghệ thông tin nhưng anh Nguyễn Hùng (tập đoàn FPT, Hà Nội) từng thuận tay trái hơn tay phải, nhưng hồi nhỏ đi học thường xuyên được rèn viết bằng roi nên anh phải dùng tay phải. Áp lực tâm lý những năm tháng đó khiến anh “sợ hãi khi nghĩ đến học hành”. Hiện giờ, dù dùng tay trái trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng anh vẫn viết bằng tay phải và “chữ xấu tệ”, anh cười.
Nhận thấy những người sử dụng tay trái tốt hơn tay phải là do ảnh hưởng một phần từ yếu tố di truyền, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục trẻ em tổ chức Share khuyến khích gia đình có con thuận tay trái nên để trẻ phát triển tự nhiên.
Chị kể, gia đình mình cũng có nhiều người thuận tay trái nhưng không ai gặp khó khăn trong cuộc sống. “Trẻ cần được tôn trọng sự tự nhiên, nếu con bạn có khả năng dùng tay trái tốt hơn tay phải thì không nên bắt ép trẻ viết tay phải theo số đông vì tâm lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi chúng thấy mình là một cá thể khác người”, chị Hiền khẳng định.
Đã 7 năm dạy trẻ mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên mầm non Hạ Đình tại Hà Nội gặp nhiều trường hợp trẻ sử dụng tay trái thành thạo hơn tay phải. Những bé dùng tay trái thuận khi ghép hình thường nhanh, lúc tô màu đẹp hơn hẳn các bạn thuận tay phải. Tuy nhiên, không ít phụ huynh thấy con thuận tay trái hơn thường nhờ cô giáo uốn nắn để con đừng thuận tay chiêu.
Cô Linh tâm sự: “Nhiều trường hợp, các bé có khả năng dùng tốt cả hai tay, nhưng không ít trẻ dùng tay phải để di màu xấu hơn hẳn lúc dùng tay trái. Những lúc đó, tôi chia sẻ với phụ huynh để họ hiểu và đừng bắt ép con mình quá, cứ để phát triển tự nhiên theo những gì các em có”.
“Bạn thử tưởng tượng mình thuận tay phải và bây giờ có người bắt bạn phải viết tay trái thì bạn sẽ vất vả như thế nào? Những người sử dụng tay trái thành thạo cũng vậy”. Ngọc Lâm, 18 tuổi, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, than thở.
Lâm cho biết, khi đi học phổ thông cô thường xuyên bị các giáo viên uốn nắn viết tay phải. Khi lên đại học, phải tốc ký nhiều đoạn, Lâm chuyển qua viết tay trái cho nhanh và đỡ mỏi. “Mình có một anh bạn, viết tay phải thì chậm chạp nhưng khi dùng tay trái chữ rất đẹp vì từ bé anh đã được dạy viết tay trái, có điều cách viết của anh khá ngộ, là quay ngang tờ giấy. Giờ anh đi làm và sử dụng máy tính nhiều hơn nên không gặp khó khăn như ngày xưa”, Lâm kể.
Không ít năm mở lớp dạy chữ cho học sinh tiểu học trên phố Chùa Bộc cô giáo Hương gặp nhiều phụ huynh than phiền khi thấy con thuận tay trái. “Ngày bé vốn là người thuận tay trái, tôi hiểu rõ cái khó khi thuận tay trái nhưng viết bằng tay phải. Hồi đấy, mỗi lần tập viết là tôi toát mồ hôi”, cô kể.
Một đứa trẻ, nếu thuận viết bằng tay trái sẽ phải nỗ lực hơn bạn bè rất nhiều, vì chỉ giáo viên thuận tay trái mới cầm bút và hướng dẫn các em cụ thể. Khi đi học, trẻ cũng phải chọn góc ngồi bên trái để tránh va phải bạn bè. “Nên để trẻ viết tốt một tay trái hoặc phải ngay từ đầu, vì như vậy chữ sẽ đẹp hơn là viết bằng cả hai tay”, cô giáo này cho biết.
Nhiều phụ huynh muốn con viết bằng tay phải, không nên gò ép mà cần hướng dẫn, khuyến khích con làm những công việc hàng ngày đơn giản bắt đầu bằng tay phải như tập tô, tập lấy khăn mặt, cầm dao, kéo… trước khi vào lớp một. “Việc uốn nắn để các bé không viết bằng tay trái sẽ khó khăn thời gian đầu, nhất là khi bé đã vào học. Muốn bé thuận tay phải, cần phải có thời gian, phụ huynh nên quan tâm đến tâm lý đứa trẻ bên cạnh sự kiên trì của giáo viên”, cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên 30 năm dạy tiểu học tại tiểu học Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh, bày tỏ.
BS Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Nội tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 354 Hà Nội, cho hay: “Người thuận tay trái hoạt động của trung khu ngôn ngữ và bán cầu trội sẽ nằm bên phải, điều khác biệt ấy là do yếu tố di truyền, không có ý nghĩa quyết định người dùng tay trái tốt sẽ thông minh, tư duy nhanh nhạy hơn hơn người thuận tay phải và ngược lại.
Việc tập cho trẻ dùng tay phải bằng cách cầm thìa, tập viết… ngay từ khi chưa đi học, sẽ giúp trẻ hạn chế được những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Trên phương diện y học, khuyến khích trẻ thuận tay trái viết bằng tay phải, chứ không gò ép còn giúp bán cầu não trái của trẻ được rèn luyện thêm, tốt hơn cho đứa trẻ đó. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự khổ công để tránh trẻ bị ức chế tâm lý”.