Mẹ nhờ hai anh chơi với em. Chỉ một lát sau thấy thằng em út khóc ngặt nghẽo, còn hai anh ra sức tranh nhau bịt mũi thằng em. Hai thằng anh trời đánh mách lẻo ngay với mẹ: “Em Boeing đánh rắm thối lắm, con phải bịt mũi cho em, mẹ à”.
Đứa bạn tôi dặn tôi phải “dằn mặt” chồng ngay sau khi sinh con: Tôi cho anh lựa chọn giữa việc cho con bú và rửa bát đũa, lau nhà, giặt quần áo…, anh chọn đi”. Đàn ông hay ỉ lại mọi việc như kiểu đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm, về đến nhà là ôm ngay cái tivi còn để vợ sấp sấp ngửa ngửa với việc nhà.
Nhưng khi sinh hai bé sinh đôi Bun, Beo thì tôi đã không dạy được chồng làm việc nhà bằng chiêu độc của cô bạn thân, đơn giản vì tôi không có đủ sữa nên phải nuôi con bằng sữa ngoài. Thế nên việc cho con bú không còn là lợi thế độc quyền của phụ nữ. Nhưng trong cái khó bó cái khôn, tôi mới phát hiện ra mình có một cộng sự khá đắc lực trong việc chăm sóc con cái.
Lần đầu tiên làm cha nên chồng tôi rất tin tưởng vào ông bạn “Gu Gờ”, bất kỳ cái gì liên quan đến con cái là chồng tôi nghiên cứu ngay. Suốt ngày chồng tôi làm mọi người phát cáu khi nhắc nhở: nào là bế chưa đúng cách, nào phải bế đầu và mông phải thẳng hàng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến xương sống. Mọi người gọi kiểu của chồng là “bê con”. Một tay chồng tôi đỡ mông, một tay đỡ đầu bé thẳng hàng, với tư thế đấy bố chỉ bế con được một chút là mỏi không chịu nổi.
Đàn ông chăm con đôi lúc không có sự linh hoạt, mềm mỏng kiên nhẫn của phụ nữ nhưng đừng vì thế gạt phăng chồng ra khỏi việc chăm con cái nhé.
Nhà tôi luôn có cảnh này vào mỗi buổi chiều tối. Bố đi làm về, hai đứa chạy ra hớn hở: “Bố đi làm về rồi”. Ông bố vứt cái cặp táp xuống ghế và gọi: “Bun, Beo đâu vào phòng chơi với bố”. Hai đứa cắp nách hai cái xe ô tô lũn chũn chạy theo bố vào phòng trong. Rồi ba bố con nghe rất rộn ràng, nào là hai cục giống của bố, cục vàng, cục bạc hay đại loại là những từ nào mỹ miều quý giá nhất; nào là hai đứa hôm nay ở nhà có ngoan không, có làm tội ông bà không. Hai đứa chắc là đang nhọn môi phồng mỏ kể lể với bố.
Một lúc, rất yên tĩnh, rất lặng lẽ. Tôi đoán lúc này, ông bố đã nằm khểnh xem tivi để mặc hai đứa chơi với nhau. Thế rồi, một chốc thấy Beo ré lên, chắc là tranh đồ chơi bị anh Bun còi “tẩn” cho, tiếng bố la hét Bun, Beo mỗi đứa ngồi một góc, không được đánh nhau. Một chốc có vẻ hòa bình lập lại. Bố lại vểnh râu xem chương trình yêu thích… Một chốc nữa lại nghe om sòm trong phòng và một đứa bị bố đuổi ra ngoài mếu máo khóc với mẹ. Biết ngay mà, “ba đứa này” không ở với nhau được lâu đâu, ở lâu thêm chút nữa thì hai cục giống của bố đã biến thành cục… gì nữa không biết nhỉ.
Khi sinh đứa thứ ba thì tôi có thêm hai cộng sự đắc lực và “nhiệt tình một cách đáng sợ”. Bất kỳ lúc nào mẹ nhờ chuyện người lớn: hai đứa trông em cho mẹ một chút để mẹ nấu ăn thì thế nào hai chàng “tí hon” kia cũng dạ râm ran. Xem các chàng chăm em thế nào nhé!
Em đang mút tay chụt chụt trông rất ngon lành. Anh Beo hét lên: “Không được bỏ tay vào mồm, bẩn lắm”. Rồi anh ấy trừng mắt doạ: “Có biết con vi trùng trong sách không? (bố hay đọc sách giữ gìn vệ sinh cá nhân cho hai đứa nghe). Nó chui vào bụng làm đau bụng phải đi khám bác sỹ đấy”. Khổ thân em út không hiểu anh nói gì nhưng anh hét to quá giật mình khóc thét lên.
Lần khác, mẹ nhờ hai anh chơi với em. Chỉ một lát sau vào phòng thì thấy thằng em út đang khóc ngặt nghẽo, còn hai anh ra sức tranh nhau bịt mũi thằng em. Hai thằng anh trời đánh mách lẻo ngay với mẹ: “Em Boeing đánh rắm thối lắm, con phải bịt mũi cho em, mẹ à”.
Lần khác, tự dưng hôm nay rất lạ lùng không thấy thằng em út có động tĩnh gì. Chạy vội vào phòng, thấy hai chàng đang trèo lên người em phi ngựa, còn thằng em không khóc nổi. Hai chàng phân bua: “Em Boeing thích lắm mẹ à, em có khóc đâu”. Tưởng thằng em út khiếp vía nhưng nhìn thấy các anh là em ấy cười toe toét.
Giao em cho các chàng đấy mà không có mẹ, bất kỳ một sự ồn ào náo nhiệt hay một sự im lặng nào cũng làm cho mẹ “đau tim”.
Nhưng tôi vẫn lựa chọn cho các chàng đấy chơi với nhau vì việc tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn vì không những gắn kết quan hệ cha con, tình yêu thương giữa anh em trong nhà, mà còn giúp người cha có thêm những kỹ năng tốt cho công việc của mình như tính kiên nhẫn, mềm mỏng, hòa đồng, vui vẻ; đồng thời trẻ cũng được tạo cảm giác an toàn và phát triển toàn diện hơn khi gần gũi với người cha như có tính tự lập, cương quyết, biết tự chăm sóc mình…