Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, trẻ 1-5 tuổi hầu như không biết đói nếu như cha mẹ không cho bé có cơ hội đói; mỗi bữa chỉ ăn vài thìa là bình thường.
Trước tình trạng nhiều bố mẹ bức xúc chuyện con biếng ăn, tìm mọi cách để ép con ăn kể cả dùng bơm kim tiêm bơm vào miệng con, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Trưởng khoa Nhi của một phòng khám Quốc tế cho rằng nên tôn trọng trẻ trong việc ăn uống. Dưới đây là bài viết của bác sĩ về lý do tại sao trẻ 1-5 tuổi lười ăn và những điều bố mẹ có thể làm với con biếng ăn.
Lý do trẻ em hầu như không biết đói
Ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi, hầu như tất cả những đứa bé đều có tình trạng biếng ăn như vậy, chúng hầu như ít khi nào biết đói bụng và hầu như không bao giờ muốn ăn trừ khi ba mẹ đút cho nó. Chúng có thể chạy giỡn suốt ngày không biết mệt, nhưng ăn thì rất ít, nên nhiều người lớn cũng thắc mắc sao mà chúng lại có năng lượng như thế.
Điều gì khiến các bé tuổi này lại không có cảm giác muốn ăn như vậy? Để trả lời câu hỏi đó, tôi cần phải đặt 1 câu hỏi khác: “Khi nào thì bạn đi đổ xăng cho xe của mình và khi nào thì bạn biết là xe sắp hết xăng?”.
Có lẽ ai cũng biết câu trả lời: khi nào sắp hết xăng thì đổ xăng, và nhìn vào đồng hồ xăng để biết khi nào cần đổ xăng. Vậy thì có xe nào đổ xăng giống xe nào không? Chắc là không.
Ở đứa bé (hay bất kỳ người nào cũng vậy), khi nào có nhu cầu tăng cân hay nạp năng lượng thì 1 bộ phận trên não sẽ báo cho người đó biết: đó là trung tâm kiểm soát sự thèm ăn – cũng giống như đồng hồ báo xăng của xe máy vậy.
Trong năm đầu đời, nhu cầu tăng cân của bé rất nhiều, trung bình tăng khoảng 6kg. Nhưng từ 1-5 tuổi thì nhu cầu tăng cân lại rất ít, trung bình chỉ khoảng1-2kg mỗi năm thôi (xem như chỉ bằng ¼ hồi trước 1 tuổi). Vì vậy, não của bé cũng thông báo cho bé biết nhu cầu nạp năng lượng rất ít. Khi nào bé “tiêu xài” bớt năng lượng đã nạp vào trước đó, khi nào bé có nhu cầu tăng cân (nhu cầu này không phải thường xuyên mỗi tháng), khi đó trẻ sẽ ăn.
Do đó, các bé 1-5 tuổi có thể đứng cân 3-4 tháng là chuyện bình thường, ba mẹ đừng lôi con ra cân mỗi tháng để chuốc lấy stress không cần thiết. Nếu ba mẹ để cho chúng tự ăn theo nhu cầu của chúng (xin nhấn mạnh là nhu cầu của chúng, chứ không phải nhu cầu của ba mẹ hay ông bác sĩ nhé!), thì khoảng 2-4 tuần lễ sau bé sẽ ăn lại ngon lành hơn (được vài ngày như vậy).
Những điều bố mẹ nên làm với trẻ biếng ăn
Vậy làm sao để giúp cho chúng ăn được? Câu trả lời thì dễ hiểu, đơn giản, nhưng không hề dễ thực hiện, nếu như không có sự nhất trí và hiểu biết từ gia đình của bé:
1. Hãy để bé tự quyết định muốn ăn bao nhiêu ăn
Nhiệm vụ của người lớn là bày ra cho chúng những đồ ăn có đủ dưỡng chất và ngon. Nếu bé không thích 1 món nào đó thì cũng đừng lo lắng hay ngạc nhiên,chuyện đó hoàn toàn bình thường. Đừng vì thế mà nản, không làm món đó cho con nữa. Để chúng thích được 1 món nào đó, cần phải giới thiệu cho chúng rất nhiều lần.
Khi bé đói, bé sẽ ăn. (Suy ra, khi con bạn không ăn mà vẫn chơi thì có nghĩa là bé không đói, hay bé không có cơ hội nào để đói hết).
2. Đừng cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày hay ăn vặt trước bữa ăn
Nhiều gia đình cứ thấy bé đòi 1 miếng kẹo hay bánh là đưa cho bé, hoặc cứ để hộp sữa thoải mái cho bé muốn uống bao nhiêu thì uống. Điều này làm bé không bao giờ có cảm giác đói để thèm ăn hết. Tối đa chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày,và chỉ cho ăn sau khi bé đã ăn bữa chính.
2. Đừng bao giờ xúc cho bé ăn nếu như nó tự xúc được
Khoảng 7-9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé bốc ăn, chúng sẽ biết bỏ vào mồm và nhai mặc dù chưa có cái răng nào hết. Khoảng 1 tuổi trở lên, bạn nên tập cho bé cầm thìa. Lúc đầu có thể bé nghịch trây trét đầy mâm, nhưng không sao hết, vậy bé mới thích thú và khám phá bữa ăn.
3. Đừng cho bé uống quá nhiều sữa mỗi ngày
Uống sữa nhiều cũng cung cấp rất nhiều năng lượng nhưng không cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Ở lứa tuổi đó, bé chỉ cần uống 1-2 ly sữa tươi mỗi ngày là đủ rồi (khoảng 300-400ml mỗi ngày). Uống quá nhiều sữa sẽ làm cho bé bị thiếu sắt và táo bón.
4. Cho bé ăn ít hơn bạn nghĩ con ăn được, để bé có cảm giác đã hoàn tất bữa ăn
Thông thường ở tuổi đó, bé chỉ uống mỗi ngày khoảng 1-2 ly sữa, ăn mỗi ngày 3 bữa và mỗi bữa chúng chỉ ăn khoảng vài thìa thôi. Do đó bố mẹ chỉ cần xúc vào chén của con vài thìa cơm và để con tự ăn.
Nếu bé ăn xong hết lượng đó và đòi thêm thì bạn có thể xúc thêm cho bé một chút (nhớ thêm từng chút một thôi, để bé có cảm giác là đã hoàn tất được bữa ăn một cách vui vẻ và tự nguyện, và để ba mẹ bé không bị stress khi thấy bé chừa lại quá nhiều).
5. Đừng nên kéo dài bữa ăn quá 20 phút và cũng đừng nên bàn chuyện bé ăn như thế nào
Hãy để con bạn muốn ăn ra sao tùy nó. Nếu bạn ép con ăn, sau này con sẽ không cảm thấy bữa ăn là cái gì vui vẻ hay thú vị nữa, mà là một ngục tù của trại phát xít. Ông bà ta cũng có câu “Trời đánh tránh bữa ăn”.
Và cũng đừng nên làm trò hay đánh lừa cảm giác no đói của chúng. Đánh lừa cảm giác no đói của con sẽ làm cho sau này chúng ăn vô tội vạ không kiểm soát được và có nguy cơ bị béo phì và những bệnh gây ra do béo phì.
Điều con cần là cho bữa ăn vui vẻ!
Không chỉ bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, mà nhiều chuyên gia y khoa hàng đầu khác như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, hay cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng phản đối việc ép trẻ ăn.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc nhở bố mẹ “đừng bao giờ suy bụng ta ra bụng trẻ. Ép dầu ép mỡ ai nỡ… ép ăn. Ăn là một hạnh phúc, nhưng bị ép thì trở thành một cực hình”.
Ông chia sẻ một nghiên cứu thú vị của các nhà khoa học về việc ăn uống của trẻ em, có thể khiến bố mẹ tin tưởng hơn vào chính con mình: Cho một nhóm trẻ nhỏ vào một cái nhà kính, đặt sẵn đủ thứ thức ăn và đồ chơi, rồi ở ngoài quan sát (bên trong không thể nhìn ra). Thấy gì? Thấy mỗi trẻ biết tự chọn món ăn mình thích, cơ thể thiếu thứ gì thì tự tìm tới món đó. Người ta cân đo các bé và thấy trẻ… phát triển hoàn toàn bình thường!
Còn cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em hàng đầu Việt Nam, cách đây rất lâu, đã từng nhấn mạnh: Con biếng ăn, phải chữa bố mẹ trước. Ông cho rằng bữa ăn sơn hào hải vị, bố mẹ cân nhắc từng tí về calo, protein, lo đủ lượng đủ chất, đổi món này món nọ cho con nhưng bữa ăn không vui thì trẻ vẫn biếng ăn.
Ông nói: “Từ lúc sơ sinh, con người ăn có vui thì mới trôi. Càng bé nhỏ, càng nhạy cảm về mặt này. Muốn cho con cái chịu ăn, bố mẹ phải tạo ra một bầu không khí yên vui trong bữa ăn. Bố mẹ cần cho con cái ăn uống như là tiếp những vị thượng khách.”