Bệnh trầm cảm thường được nói đến là một rối loạn tâm thần gồm nhiều triệu chứng, nhưng hay gặp nhất là sự buồn bã sâu sắc và người bệnh không còn quan tâm hay thích thú đối với tất cả những gì xảy ra chung quanh hoặc đối với bản thân mình. Bệnh trầm cảm không miễn trừ với bất cứ ai, có thể gặp ở trẻ em, vị thành niên, người trưởng thành, phụ nữ sau đẻ và cả người có tuổi…
Đối với trẻ em, giai đoạn từ 6 đến 13 tuổi là giai đoạn tiềm ẩn, trẻ đã có ý thức trong việc học hành, quan hệ bè bạn, thể thao… Cảm xúc của trẻ ở độ tuổi này rất cao và dễ mất tự chủ trước những sự kiện bất ngờ xảy đến. Trẻ thường phản ứng bằng cách rút vào trong “vỏ ốc” để tìm sự an toàn cho mình và trở nên ngỗ ngược, quậy phá để giải tỏa sự ấm ức giận dữ. Các em đã biết đau khổ vì những gì mà mình mong muốn, yêu thích không được thỏa mãn. Sự trầm cảm thể hiện qua sự cau có, mệt mỏi, nóng nảy, buồn rầu, kém ăn, giấc ngủ không sâu, người gầy yếu, kết quả học tập sút.
Trầm cảm nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỷ lệ bệnh ổn định khá cao (70-80%). Trầm cảm không thể tự chữa khỏi chỉ bằng tập thể dục, thay đổi chế độ ăn hay đi nghỉ mát, mà phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với tâm lý liệu pháp. Khi phát hiện trẻ bị trầm cảm, gia đình và thầy cô cần có thái độ cư xử khéo, nhẹ nhàng, chịu khó lắng nghe, chịu khó đối thoại với trẻ, giúp chúng lấy lại sự cân bằng. Cha mẹ cần là chỗ dựa vững chắc để trẻ tin cậy, nương tựa, vượt qua sự trầm cảm. Cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình mà chỉ khơi gợi, giúp trẻ bộc lộ hết sự thông minh, năng động và sáng tạo của mình.
Để tránh cho trẻ bị rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con em mình, đặc biệt là về đời sống tinh thần, mối quan hệ bạn bè, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống của chúng. Tuyệt đối không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè.