“Luyện viết chữ đẹp thành áp lực không phải do chương trình nặng mà vì một số giáo viên và phụ huynh chạy theo thành tích”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nói.
Là người có hàng chục năm quản lý giáo dục tiểu học của TP Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, không nên phủ nhận việc dạy học sinh viết chữ đúng, đẹp. Vấn đề đặt ra là thầy cô phải ý thức được mục đích của việc dạy học sinh tập viết, viết chính tả ở bậc tiểu học là giúp các em viết đúng mẫu chữ theo quy định. Quá trình tập viết cũng rèn cho học sinh tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và tính thẩm mỹ.
“Học sinh tiểu học thường rất hiếu động nên tập viết sẽ rèn cho các em khả năng tập trung, dù mất thời gian nhưng điều này cực kỳ quan trọng, cũng giống như việc gấp chăn màn vuông vức của bộ đội, dù phải mất từ 3-5 phút để chăn màn vuông như cục gạch, nhưng chiến sĩ vẫn phải làm vì thông qua đó, họ học được tính tỉ mỉ, cẩn thận”, ông Tiến dẫn chứng.
Ở tiểu học, thầy cô không chỉ hướng dẫn học sinh tập viết mà còn dạy cách cầm bút, đặt vở, cách đưa bút để đảm bảo viết đúng quy định mẫu chữ đồng thời đảm bảo tốc độ viết. Học sinh được rèn tư thế ngồi để không bị cong vẹo cột sống, cận thị.
Ở các lớp 1, 2, 3 mỗi tuần học sinh có 1 tiết tập viết. Bắt đầu từ tuần 26 lớp 1, mỗi tuần có 2 tiết chính tả. Chính tả gồm tập chép, nghe viết, nhớ viết. Các trường ở Hà Nội đều học 2 buổi/ngày nên với học sinh lớp 1, 2, 3 thông thường giáo viên dành thêm 1-2 tiết buổi chiều để dạy tập viết và chính tả.
“Sở Giáo dục chỉ đạo giáo viên phải dạy học sinh viết đúng, sạch, đẹp song phải đảm bảo tốc độ quy định. Với các môn học khác thì hướng dẫn các em cách ghi vở và đến cuối lớp 4, 5 hướng dẫn học sinh cách tự ghi để vào THCS không lúng túng”, ông Tiến nói.
Ông Phó giám đốc cho hay, Hà Nội đã dừng thi vở sạch chữ đẹp cấp thành phố nhiều năm, chỉ giao lại cho các quận huyện thực hiện. Tuy nhiên, phong trào này đã trở thành truyền thống của giáo dục tiểu học trên cả nước, được giáo viên, học sinh hưởng ứng. Cuộc thi cũng được tổ chức đơn giản, mỗi bài viết chỉ khoảng 15 phút.
Vị Phó giám đốc Sở nhấn mạnh không nên ỷ lại vào việc có máy tính cá nhân để không cần luyện chữ đẹp. Bởi vì viết thư không phải lúc nào cũng gõ máy tính, rồi in cho người khác đọc, cũng không phải ai cũng có thiết bị để đọc. Trong khi đó, viết chữ là thông điệp giao tiếp với nhau. Khi viết cho bạn một lời chúc nhưng chữ viết xấu thì người nhận cũng cảm thấy không thích.
Ông Tiến cho rằng không thể phủ nhận việc luyện viết chữ đẹp đang trở nên nặng nề, quá tải ở một số nơi. Có rất nhiều lý do như giáo viên muốn trò lớp mình viết đẹp hơn lớp bên cạnh, cha mẹ muốn con mình giỏi hơn con hàng xóm… Thế nên, lẽ ra chỉ cần tập viết 1 tiết tăng cường nhưng cứ có thời gian cô lại rèn học sinh, lại cho thêm bài, tập luyện viết ở nhà. Phụ huynh thì ép con đi học về phải viết 2,3 trang giấy mới được nghỉ.
“Không được đồng nhất việc luyện chữ đẹp với phong trào giữ vở sạch luyện chữ đẹp. Phong trào vở sạch chữ đẹp rất nhẹ nhàng và cần thiết, nhưng ép trẻ phải tập viết đến áp lực thì không nên. Chỉ cần dạy và học theo đúng chương trình là trẻ đã viết đẹp, sạch, đúng quy định”, ông Tiến cho hay.
Không khuyến khích học sinh luyện chữ đẹp ở các trung tâm, nhưng phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định, không thể bỏ bớt thời gian luyện viết cho học sinh ở tiểu học, bởi vì tất cả học sinh đều phải học để cảm thụ cái đẹp.
“Con trai tôi khi đang học tiểu học, tôi nhận thấy ngay khả năng viết chữ đẹp của cháu là rất khó nên chỉ rèn cho con viết đúng, đủ, nhanh. Đến lớp 5 tôi bắt đầu dạy con viết tắt để qua cấp 2 kịp chép bài theo lời giảng của cô. Do tư duy đi trước những nét bút nên viết phải nhanh để đảm bảo tư duy”, ông Tiến chia sẻ.