Các mẹ đều biết rằng, muốn đậu thai thì cần “yêu” trong khoảng thời gian trứng ở người phụ nữ rụng. Tuy nhiên, một câu hỏi được rất nhiều mẹ đặt ra là “khi nào trứng rụng?”, “Dấu hiệu trứng rụng như thế nào?”. Hãy cùng khám phá những điều bí ẩn về thời kỳ trứng rụng nhé!
Chị em cần biết rằng chỉ có chính bạn mới biết chính xác khi nào trứng rụng thông qua việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Để việc theo dõi này chính xác và thuận lợi hơn, bạn cần biết về những dấu hiệu của rụng trứng và các vẫn đề liên quan.
Chắc chắn tất cả các mẹ đều biết rằng nhận biết được thời gian rụng trứng sẽ giúp bạn tăng cơ hội thụ thai. Bởi vì để có thể thụ thai, bạn nên quan hệ trong thời gian từ một đến hai ngày trước và khoảng 24 giờ sau khi trứng rụng. Tại sao lại chọn mốc 24h sau khi trứng rụng? Vì tinh trùng thì có thể sống được 3-5 ngày nhưng trứng chỉ sống sót được khoảng 12 – 24 tiếng sau khi rụng.
Rụng trứng là gì?
Đây là hiện tượng xảy ra ở cơ thể người phụ nữ, mỗi tháng cơ thể mẹ đều sản sinh ra một số lượng trứng nhất định. Hiện tượng rụng trứng xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi nang buồng trứng sẽ sản sinh ra 1 trứng trong mỗi tháng, trứng sau khi rụng sẽ đi vào ống dẫn trứng tới tử cung. Tại đây, nếu tinh trùng gặp được trứng thì sẽ dẫn đến hiện tượng thụ thai. Nếu không, trứng sẽ bị đào thải ra bên ngoài tử cung và tạo nên hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng.
Khi nào trứng rụng?
Mọi người vẫn thường cho rằng trứng sẽ rụng vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Có nhiều người không rụng trứng vào ngày thứ 14 của chu kỳ. Thời gian rụng trứng ở mỗi người là khác nhau và qua các tháng cũng khác nhau. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài 28 đến 32 ngày, thì rụng trứng có thể xảy ra vào giữa ngày 11 đến ngày 21.
Tính ngày trứng rụng
Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những tín hiệu và dấu hiệu cơ thể bạn phát ra trong chu kỳ của mình. Có thể bạn có để ý nhưng lại không nhận ra được những triệu chứng này của rụng trứng. Dưới đây là những cách nhận biết thời gian trứng rụng:
Phương pháp 1: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Để tính được ngày trứng rụng theo phương pháp này, chị em cần theo dõi khoảng 3-4 tháng liền với một quyển lịch cầm tay và đánh dấu ngày đầu tiên của kỳ kinh trước đến ngày đầu tiên của kỳ tiếp theo để tính chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt chuẩn nhất là 28 ngày. Nhưng không phải ai cũng thế, có những người lên đến 32 ngày, nhưng cũng có chị em chỉ khoảng 26 ngày.
Dưới đây là lịch tham khảo thời gian trứng rụng cho mỗi chu kỳ kinh nguyệt:
Chu kỳ kinh nguyệt (ngày) Ngày rụng trứng Thời gian dễ thụ thai
22 Ngày thứ 8 Từ ngày 7-9
23 Ngày thứ 9 Từ ngày 8-10
24 Ngày thứ 10 Từ ngày 9-11
25 Ngày thứ 11 Từ ngày 10-12
26 Ngày thứ 12 Từ ngày 11-13
27 Ngày thứ 13 Từ ngày 12-14
28 Ngày thứ 14 Từ ngày 13-15
29 Ngày thứ 15 Từ ngày 14-16
30 Ngày thứ 16 Từ ngày 15-17
31 Ngày thứ 17 Từ ngày 16-18
32 Ngày thứ 18 Từ ngày 17-19
33 Ngày thứ 19 Từ ngày 18-20
34 Ngày thứ 20 Từ ngày 19-21
35 Ngày thứ 21 Từ ngày 20-22
36 Ngày thứ 22 Từ ngày 21-23
Phương pháp 2: Lắng nghe cơ thể
20% phụ nữ nhận được những dấu hiệu trong ngày trứng rụng đó là cảm giác bứt rứt hoặc bị đau âm ỉ vùng bụng. Đây là những lời nhắc nhở chị em rằng một quả trứng đang được rụng từ buồng trứng. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng tinh ý phát hiện ra những dấu hiệu này.
Phương pháp 3: Theo dõi nhiệt độ cơ thể
Nếu các mẹ cũng đang mong ngóng có con thì đừng quên sắm cho mình một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể nhé. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày khi vừa ngủ dậy và ghi lại nhiệt độ cơ thể mỗi lần đo được sẽ giúp chị em nhận ra điều khác biệt.
Sau kỳ kinh nguyệt đến trước ngày trứng rụng 2 ngày, thân nhiệt chúng ta thường thấp hơn thân nhiệt trung bình 0,2 – 0,3 độ C. Trong vòng 2 ngày trước khi trứng rụng, thân nhiệt tụt xuống thêm 0,1 – 0,2 độ C (trong đó, điểm thân nhiệt thấp nhất là ngày sắp rụng trứng). Ngày rụng trứng (thường là 13-16 ngày trước khi thấy kinh), thân nhiệt đột ngột tăng lên 0,3 – 0,5 độ C (trên thân nhiệt trung bình 0,1 – 0,2 độ C) và cứ giữ như vậy cho đến cuối chu kỳ, sau đó tụt xuống để sang một chu kỳ khác. Theo dõi kết quả đo thân nhiệt mấy tháng liền, các mẹ sẽ thấy đường biểu diễn nhiệt độ cơ thể đi từ thấp lên cao, có khi lên liên tục 2-3 ngày. Nguyên nhân là trong buổi sáng đầu tiên, nhiệt độ mới lên một ít, sáng hôm sau tăng thêm một ít nữa. Trong trường hợp này, ngày thứ hai hoặc thứ ba là ngày trứng rụng.
Chị em phải chú ý theo dõi nghiêm túc trong ba chu kỳ liền sẽ thấy quy luật thân nhiệt của mình. Sau đó, chị em có thể đo vài ngày trong một chu kỳ trước khi trứng rụng là xác định được ngày trứng rụng. Lưu ý thêm là chỉ sử dụng một nhiệt kế để tránh sai số và lấy ở một nơi nhất định trên cơ thể (như ở hậu môn hoặc âm đạo). Nếu lấy ở nách hoặc miệng thì nhiệt độ thấp hơn 0,3 – 0,5 độ C.
Phương pháp 4: Chất nhầy cổ tử cung
Cách này rất đơn giản nhé. Các mẹ chỉ cần dành chút thời gian để ý đến vùng kín của mình cũng sẽ nhận thấy sự khác biệt trong thời gian trứng rụng. Chất nhầy cổ tử cung sẽ xuất hiện trong suốt chu kỳ kinh nguyệt nhưng khi nào chất nhầy nhiều và trở nên mỏng, trong suốt như lòng trắng trứng thì đó chính là ngày rụng trứng.
Vào ngày này, khi chị em đặt các ngón tay sâu vào âm đạo, lấy một ít chất nhờn ở cổ tử cung sẽ thấy chất nhầy có thể kéo thành sợi liên tục lên đến 10cm.
Phương pháp 5:Sử dụng que thử rụng trứng
Với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có thời gian để ý đến dấu hiệu cơ thể như những cách trên thì nên mua dụng cụ thử trứng rụng. Dụng cụ này rất phổ biến tại các hiệu thuốc và cũng dễ dàng sử dụng. Que thử rụng trứng sẽ phát hiện việc tăng nồng độ hormon lutein hóa (luteinizing hormone – LH) trong nước tiểu. Tăng LH trong nước tiểu là báo hiệu bạn sẽ rụng trứng. Nước tiểu để thử được lấy sau khi đi tiểu bình thường vào buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy.
Những bí mật về ngày trứng rụng
– Stress, đau ốm hay sự thay đổi các thói quen hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian rụng trứng.
– Cấy trứng đã được thụ tinh thường xảy ra 6 – 12 ngày sau khi rụng trứng.
– Cơ thể một người phụ nữ sinh ra có hàng triệu trứng chưa lớn, những trứng này chờ đến thời điểm rụng trứng.
– Chu kỳ kinh nguyệt có thể xảy ra ngay khi trứng chưa rụng.
– Rụng trứng có thể xảy ra ngay khi không có kinh nguyệt.
– Nhiều người có cảm giác đau gần buồng trứng khi rụng trứng.
Tại sao khi trứng rụng lại bị đau bụng dưới?
Đó thường là cơn đau âm ỉ ở vùng bụng dưới tương tự như khi đau bụng kinh nguyệt, như một dấu hiệu cho thấy trứng chín vừa bật ra và đang đi tìm tinh trùng. Một số chị em lại cho biết là họ thường xuyên cảm thấy một cơn đau ngắn và nhói, kéo dài rất ngắn giữa chu kỳ kinh. Thử tìm hiểu xem cơn đau của bạn nằm trong nhóm triệu chứng nào. Tuy nhiên, kiểm tra rụng trứng thông qua xét nghiệm hiện là cách xác định ngày rụng trứng chính xác nhất.
Sau khi rụng trứng
Hai điều có thể xảy ra sau khi rụng trứng: hoặc trứng được thụ tinh và bạn đang ở trong giai đoạn sớm của thai kỳ, hoặc việc thụ thai không xảy ra vào chu kỳ này và trứng bị đào thải ra bên ngoài tử cung dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng.
Tìm hiểu những thay đổi và khác biệt này sẽ giúp bạn hiểu rõ cơ thể mình để có những ứng biến phù hợp nhất.