TS. BS Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) giải đáp thắc mắc có nên cho trẻ ăn phô mai và váng sữa cùng thời điểm.
Một độc giả tâm sự: “Các mẹ ơi! Cún nhà em hơn 7 tháng rồi mà chỉ cao có 68cm và nặng 7.2 kg. Trong khi đó, con trai của chị dâu em cũng bằng tuổi đã cao hơn 75cm và nặng 8.2kg. Ai cũng nói bé nhà em còi cọc, nhỏ con. Em buồn lắm!
Hiện tại em đang tập cho bé bú bình thêm nhưng bé không chịu nên phải đút từng thìa. Em cũng cho bé ăn thêm phô mai tươi nhưng phải xay nhuyễn rồi đút thì bé mới chịu ăn.
Em đang rất muốn tập cho bé ăn thêm váng sữa vì nghe nói váng sữa là những gì tinh túy nhất được chắt lọc từ sữa, giàu canxi nên ăn vào sẽ giúp bé cao lớn vượt trội nhưng không biết phô mai với váng sữa ăn kết hợp cùng lúc có sao không? Phô mai tốt hơn hay váng sữa tốt hơn?”.
Trao đổi với chúng tôi TS, BS Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Với trẻ 7 tháng tuổi như vậy cháu thiếu 1 kg, chiều cao thiếu 1cm so với trung bình chuẩn. Trẻ thiếu khoảng 1kg như vậy là tương đối gầy, có thể do chế độ ăn chưa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Việc tăng thực phẩm chứa nhiều chất béo như váng sữa là phù hợp, trẻ khoảng 7 tháng có thể tăng lượng sữa, chế phẩm sữa là tốt nếu có điều kiện”.
Theo TS Bích Nga, các chế phẩm sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa cho trẻ trên 6 tháng tuổi bắt đầu ăn dặm, còn trẻ trên 1 tuổi có thể dùng thêm cả sữa tươi nếu trẻ lười uống sữa bột công thức. Còn với trẻ trên 2 tuổi, chỉ cần sữa tươi trừ trường hợp trẻ biếng ăn hoặc chậm lên cân. Với sữa chua, phô mai, váng sữa có thể cho trẻ ăn từ lúc bắt đầu ăn dặm đến khi trẻ lớn.
“Trẻ dưới 1 tuổi, nếu mới ăn dặm có thể cho trẻ ăn 2-3 viên phô mai/ngày. Còn với váng sữa có thể tập cho trẻ ăn nửa hộp, theo dõi đi ngoài của trẻ có bình thường không. Nếu đi ngoài bình thường, trẻ chịu ăn thì có thể tăng lên 1 hộp. Trẻ gầy, thiếu cân có thể kết hợp ăn phô mai, váng sữa hàng ngày.
Với trẻ trên 1 tuổi nếu đang gầy mà thích ăn có thể dùng 2 hộp váng sữa/ngày. Phô mai có thể dùng loại to từ 2-3 viên/ngày với trẻ gầy”, TS Nga khuyến cao.
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đi ngoài phân nát, rối loạn sau ngộ độc thức ăn thì nên hạn chế ăn váng sữa, phô mai, nên đợi tiêu hóa của trẻ lại bình thường mới cho ăn vì thành phần phô mai, đặc biệt váng sữa nhiều chất béo sẽ khó hấp thu khi đang rối loạn tiêu hóa.
“Việc ăn phô mai, váng sữa không nên ép trẻ mà để trẻ ăn theo khẩu vị. Chế phẩm sữa nên tìm loại nào con thích để cho bé ăn. Nếu trẻ không thích thì có thể trộn phô mai vào cháo, nếu trẻ không thích ăn như thế có thể trộn phô mai với chuối chín hoặc làm các chế phẩm khác của sữa như caramen để thay đổi khẩu vị của trẻ”, TS Bích Nga chỉ rõ.
Trong một tư vấn gần đây, TS Bích Nga từng lưu ý phụ huynh khi con bị thiếu cân.
– Trước hết phải kiểm tra chiều cao của con để xem có thực chất thiếu cân so với chiều cao hay không.Tránh tình trạng trẻ thiếu cân so với tuổi nhưng so với chiều cao của trẻ thì cân nặng đã đủ và thừa (vì trẻ quá thấp), trong trường hợp này nếu chỉ tập trung cho trẻ tăng cân sẽ dễ bị thừa cân, béo phì.
Nếu đúng là trẻ thiếu cân nặng (so với chiều cao) thì cần có các biện pháp tăng cường ăn uống. Với trẻ nhỏ kể cả trẻ đang tuổi học đường cần tăng cường đạm động vật trong khẩu phần ăn. Bởi vì, đạm động vật có chứa axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Ngoài ra,đạm động vật là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho não, giúp phát triển trí tuệ của trẻ, tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Phụ huynh nên tăng cường cho trẻ ăn thịt trứng, tôm, cua cá hàng ngày để cung cấp chất đạm quý.
– Với trẻ em nên cho ăn trứng đặc biệt là trứng gà, đây là nguồn thực phẩm an toàn, hấp thu tốt, protein của trứng chứa nhiều axitamin thiết yếu, cholesterol trong lòng đỏ trứng tốt cho phát triển của trẻ. Tuy nhiên, lưu ý chọn trứng gà rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
– Phụ huynh lưu ý cung cấp chất béo cho trẻ, với trẻ gầy không nên hạn chế chất béo, trung bình 5-10 ml dầu ăn và mỡ xen kẽ/bữa với trẻ bé và 10-20ml/bữa với trẻ tuổi học đường, tăng cường dầu mỡ với món xào rán, cho dầu ăn vào cháo khi trẻ ăn dặm, thức ăn xào rán không bị cháy cũng rất cần thiết.
-Trẻ lớn trên 2 tuổi cần đảm bảo đủ lượng tinh bột, mỗi bữa 1-2 bát cơm và thức ăn nhưng không nên quên uống sữa (trung bình 300-500ml/ngày).