Đái dầm hay “tè dầm” là hiện tượng phổ biến đối với trẻ. Cha mẹ không nên quá lo lắng hay trách mắng trẻ mà hãy giúp trẻ vượt qua chứng bệnh này.
Đái dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong lúc ngủ, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường do cung phản xạ thần kinh kiểm soát việc đi tiểu phát triển chưa hoàn thiện. Khi trẻ lớn, thường sau 5 tuổi, đái dầm sẽ giảm và tự hết mà không cần phải can thiệp điều trị.
Một số nguyên nhân gây tình trạng đái dầm ở trẻ.
Di truyền: Nếu chỉ cần bố hoặc mẹ có tiền sử tè dầm thì tỷ lệ con bị là 44%, nếu cả cha và mẹ đều từng bị tè dầm thì tỷ lệ con bị là 77%. Vì vậy đái dầm cũng bắt nguồn từ yếu tố di truyền.
Rối loạn giấc ngủ: Do rối loạn giấc ngủ mà bé khó thức dậy từ giấc ngủ sâu dù khi ấy bàng quang căng đầy nước tiểu và trẻ ngủ mơ thấy mình đã đi tiểu ở ngoài mà không ý thức được là đái dầm trên giường..
Chậm phát triển hệ thần kinh trung ương cũng làm giảm khả năng kiểm soát nín tiểu của bàng quang khi trẻ ngủ.
Do yếu tố nội tiết: Vì không đủ hormon bài niệu ADH (hormon này có tác dụng làm giảm số lượng bài tiết nước tiểu từ thận)
Nhiễm trùng đường niệu: Một số trẻ mắc một số bệnh cũng làm gia tăng chứng đái dầm. Nhiễm trùng đường niệu cũng có thể gây đái dầm, đây là loại nhiễm trùng hay gặp ở trẻ. Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em gái gặp nhiều hơn trẻ em trai do niệu quản ngắn hơn, lỗ đái quá gần hậu môn, nhất là khi vệ sinh kém.
Trong các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu bệnh viêm bàng quang là loại hay gặp nhất do viêm ngược dòng. Một số bệnh làm giảm dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống cũng gây nên đái dầm như viêm cấp tính, sỏi, dị dạng bẩm sinh và hẹp bao quy đầu ở trẻ con trai. Tỷ lệ các trẻ em trai hẹp bao quy đầu gây đái dầm chiếm tỷ lệ khá cao.
Trong trường hợp khác bé bị dị dạng đường tiết niệu: Bất thường van niệu quản ở trẻ trai hoặc bất thường niệu đạo ở trẻ gái. Bàng quang nhỏ hơn bình thường làm giảm khả năng giữ được nước tiểu lâu trong bàng quang. Trong một số trường hợp do trẻ bị bất thường cột sống.
Tâm lý: Một số trẻ đái dầm do có lo âu sau sang chấn tâm lý ở nhà hoặc ở trường. Chứng đái dầm ở trẻ em tuổi học đường (trên 5 tuổi) phổ biến nhất là dạng tiền phát, chủ yếu do yếu tố tâm lý. Học tập căng thẳng, áp lực từ bố mẹ… có thể khiến trẻ lo lắng, gây rối loạn tâm lý và đái dầm. Đôi khi do thay đổi môi trường học (từ mẫu giáo lên lớp một), trẻ chưa thích nghi ngay được, dẫn đến lo lắng, sợ sệt, bị bạn bè bắt nạt… và dẫn đến tình trạng trên.
Trẻ đến tuổi đi học vẫn đái dầm cũng có thể do không được săn sóc, bị chú ý quá mức, bị căng thẳng, buồn rầu, không thích chơi với những trẻ khác. Tâm tính trẻ sẽ trở nên bất thường, khó chịu vì cảm thấy tự mình không kiểm soát được chính mình. Chính điều này lại tác động trở lại tâm lý trẻ, khiến trẻ căng thẳng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó khắc phục. Vì vậy, cách tốt nhất khi trẻ có bệnh này là đưa đến bác sĩ.
Nếu trẻ đái dầm thường xuyên từ 6 tuổi trở nên thì cha mẹ nên đưa con khám bác sĩ chuyên khoa.
Biện pháp chữa chứng đái dầm ở trẻ em
– Không uống nước nhiều vào buổi tối, không uống nước trước khi đi ngủ 2 tiếng.
– Khuyên trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ
– Huấn luyện đi tiểu ban đêm: đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu hoặc giúp trẻ tự thay đồ khi đái dầm.
– Trẻ bị đái dầm hay bị mặc cảm, xấu hổ, nhất là trẻ trên 10 tuổi. Cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình nếu cứ quát tháo, trêu chọc trẻ (hoặc cho nhiều người biết về chứng đái dầm của con mình, cháu mình) thì sẽ làm cho trẻ căng thẳng thêm, có khi chứng đái dầm tăng lên.
– Lập biểu đồ theo dõi diển tiến và khen thưởng trẻ mỗi đêm không đái dầm. Bên cạnh đó, một số trường hợp phải giúp trẻ luyện để không đái dầm, tạo thói quen cho bàng quang.
Một số bài thuốc chữa bệnh đái dầm ở trẻ
– Long nhãn hoặc vải khô 5-10 quả mỗi ngày, ăn vào buổi sáng khi bụng đói. Dùng cho những trẻ sắc mặt trắng xanh, tứ chi không ấm, tiểu trong, nhiều.
– Hẹ tươi 100 g thái đoạn, tôm tươi 200 g. Tôm xào với dầu ăn, khi gần chín cho hẹ vào, làm món ăn thường xuyên. Dùng cho bệnh nhân sắc mặt trắng xanh, lưỡi nhạt rêu mỏng.
– Bàng quang lợn 100 g thái miếng nhỏ, bạch quả 5 g rang chín, bóc bỏ vỏ ngoài, phúc bồn tử 10 g. Dùng vải màn khô bọc lại, ninh lấy nước để nấu canh cùng bàng quang lợn, chữa đái dầm nước trong, nhiều.
– Bá tử nhân phơi khô nghiền bột, dùng nước cơm hòa uống, mỗi lần 0,5 g, mỗi ngày 2 lần, dùng chữa trằn trọc hiếu động, tiểu ít, nhiều lần.
– Kỷ tử 15 g ngâm mềm, thận lợn 1 quả, bổ rửa sạch, thái lát mỏng, dùng dầu ăn cùng xào cùng nhau. Dùng cho trẻ lưỡi đỏ, ít rêu, tiểu tiện ít, vàng.