Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội), chửa ngực và nhiều sữa sau sinh không liên quan đến nhau.
Một độc giả tâm sự: “Em hiện tại mới mang thai được 22 tuần thôi. Thấy các chị thường xuyên lên đây chia sẻ những thắc mắc khi mang bầu nên em rất muốn hỏi vấn đề này. Vốn em bị chửa ngực các chị ạ. Từ hồi mới phát hiện có bầu, ngực em đã khá lớn và thay đổi chóng mặt. Ban đầu là cả giác đau nhức rồi sưng tấy. Em đã rất khổ sở với triệu chứng chửa ngực này. Đã thế vì ngực tăng kích cỡ quá đà nên em rất ngại mỗi khi đi ra ngoài và đi làm. Nhiều khi em phải đứng trước tủ đồ cả tiếng để chọn được bộ đồ đi chơi phù hợp mà không bị lộ ngực.
Thế nhưng hôm trước trong câu chuyện với mẹ chồng, mẹ bảo em chửa ngực thế này là sướng nhất vì sau này tha hồ sữa cho con tu ti. Mẹ bảo chửa ngực chứng tỏ ngực đang dần tích lũy sữa để phục vụ cho việc cho con bú sau này. Mẹ còn lấy minh chứng là chính mẹ ngày xưa đẻ 3 đứa con cũng đều chửa ngực thế. Em nghe mà mừng quá, nhưng chẳng biết lời mẹ chồng em nói có đáng tin không vì em chưa nghe ai nói đến vấn đề liên quan giữa chửa ngực và nhiều sữa sau sinh cả”.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Chửa ngực không gây hại gì cho thai nhi. Tuy nhiên, đây là trường hợp gặp với một số bà bầu do nội tiết khi mang thai, các ống sữa hoạt động mạnh, mô mỡ phát triển nhanh. Việc chửa ngực không liên quan đến sau này bà bầu có nhiều sữa hay không”.
Theo bác sĩ Dung, việc nhiều sữa phụ thuộc vào cơ địa và tuyến sữa của người phụ nữ đó. Có người ngực lép nhưng nguồn sữa vẫn dồi dào nhưng cũng có người chửa ngực nhưng sữa vẫn không đủ cho con bú.
“Việc chửa ngực có thể gây ra những bất tiện cho bà bầu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mang cảm giác tự ti, hoàn toàn không có gì phải lo lắng. Lưu ý nên chọn áo ngực phù hợp để không bị chật quá gây khó chịu, mặt khác cũng không nên thả rông ngực nếu bị ngã có thể vỡ ngực. Thêm nữa, chửa ngực có thể gây ra hiện tượng rạn da nên mẹ bầu nên bôi kem để chống rạn”, bác sĩ Dung lưu ý.
Khi bị chửa ngực, mẹ bầu nên chọn quần áo rộng rãi. Ngồi thẳng lưng, giữ vệ sinh, có thể nằm nghiêng khi ngủ, đặt gối nâng đầu và ngực lên cao. Nếu có hiện tượng khó thở, ra nhiều mồ hôi khi chửa ngực cần thăm khám bác sĩ sản khoa. Sau giai đoạn cho con bú, chửa ngực sẽ hết. Những người mang bầu lần đầu đã có hiện tượng chửa ngực thì có thể gặp hiện tượng này ở những lần sau.
Theo các bác sĩ, việc bà bầu sau khi sinh có nhiều sữa hay không phụ thuộc cơ địa của bản thân người đó. Sau khi sinh, với một số bà mẹ, chỉ 1 ngày là sữa đã về nhưng có người tới 2-3 ngày thì sữa mới về. Mọi tác động qua thực phẩm cũng có thể sẽ giúp cho sữa về nhanh hơn.
Các món ăn như chân giò ninh đu đủ, cháo hạt sen đỗ xanh… sẽ giúp kích thích sữa về sớm. Tất nhiên, nếu bà bầu ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ có số lượng và chất lượng sữa tốt hơn những bà bầu ăn uống thiếu chất hoặc quá kham khổ.
Ngoài ra, có những yếu tố làm ảnh hưởng đến số lượng sữa như tâm trạng bà mẹ, thuốc kháng sinh… Sau khi sinh, nếu người phụ nữ không được hỗ trợ từ chồng, phải thức đêm nhiều để chăm con, cuộc sống gặp nhiều căng thẳng và lo lắng làm ảnh hưởng đến lượng sữa. Cũng có người sau sinh do mắc bệnh nên phải uống thuốc kháng sinh cũng làm cho sữa ít hơn.
Việc chăm sóc bầu ngực khi cho con bú, đặc biệt trong tháng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Bởi vì, trong tháng đầu, lượng sữa tiết ra nhiều trong khi bé bú không hết. Vì vậy, nếu không giữ vệ sinh hay chăm sóc có thể gây tắc tuyến sữa, viêm tuyến vú để lại ảnh hưởng xấu về sau.