Con thường đánh bạn hay cắn bạn mỗi khi cảm thấy thất vọng hoặc phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực? Đừng lo lắng, đó chỉ là một phần quá trình phát triển trong những năm đầu đời của trẻ. Hầu hết mọi đứa trẻ đều từng trải qua giai đoạn đó. Điều quan trọng là bạn ứng phó với tình trạng này như thế nào.
Sau đây là 10 cách đơn giản để chấm dứt việc cắn bạn, đánh bạn và giúp con bộc lộ cảm xúc một cách đúng đắn.
Dùng ngôn ngữ ký hiệu
Nếu con bạn chưa biết nói rõ ràng, hãy dạy con những ngôn ngữ ký hiệu cơ bản để con có thể diễn tả được cảm xúc của mình.
Công nhận cảm xúc của con
Lần tới con đánh bạn, hãy nắm tay con và nói: “Mẹ biết con cảm thấy rất tệ. Con có thể cảm thấy như vậy, không sao cả, nhưng đánh một ai đó thì là hành động không chấp nhận được”. Tovah Klein, Giám đốc Trung tâm Barnard College Center for Toddler Development (Mỹ) khuyên bạn nên giúp con hiểu rằng việc con có cảm xúc như vậy là điều dễ hiểu, nhưng còn có những cách khác để “xử lý” cảm xúc đó.
Đừng cố giải thích nếu con còn quá bé
Đừng hỏi con rằng: “Con sẽ thấy thế nào nếu bị ai đó đánh?” Trẻ mới biết đi không đủ trưởng thành về trí tuệ hoặc cảm xúc để có thể đồng cảm với người khác, Klein cho biết. Thay vì cố giải thích cho con, hãy đưa ra những hình phạt hợp lý – nếu con đánh bạn trên sân chơi, bạn sẽ đưa con về nhà, nếu con cắn đồ chơi, con sẽ không được chơi món đồ ấy nữa.
Đọc sách cho con
Những cuốn sách trẻ em đề cập tới vấn đề trẻ cắn đồ hoặc đánh bạn là sự lựa chọn tuyệt vời. Như vậy, con sẽ nhận được thông điệp “đánh bạn là không ổn chút nào” mà thông điệp đấy đến từ một nguồn khách quan khác, chứ không phải chỉ từ bạn.
Tìm hiểu nguyên nhân
Nếu con luôn có những hành vi bạo lực trong một số tình huống cụ thể, chẳng hạn như khi em gái nhảy lên giường hay khi bị những đứa trẻ khác xô đẩy, hãy chuẩn bị trước cho con cách ứng phó khi tình huống ấy xảy đến, hoặc cố gắng hết sức để tránh những tình huống này. Nếu khi đói hay mệt mỏi, con sẽ không thể kiềm chế được bản thân, hãy lưu ý để có thể kiểm soát tình huống trước khi cảm xúc của con lên đến đỉnh điểm.
Cho con dùng miếng cắn răng
Đó là những món đồ bằng chất dẻo, phù hợp với những đứa trẻ không ngừng cho một món đồ gì đó vào mồm. Bạn có thể dặn con mang miếng cắn răng theo người và mỗi lần muốn cắn một thứ gì đó thì lấy ra dùng. Nếu con bạn chỉ mới biết đi, hãy để miếng cắn răng trong túi của bạn và đưa nó cho con mỗi khi con định cắn tay của một ai đó.
Giúp con lấy lại bình tĩnh
Nếu con cứ không ngừng làm mình hoặc những đứa trẻ khác bị thương và không thể giữ được bình tĩnh, hãy ngồi vắt chéo chân, để con ngồi vào lòng và quay mặt cùng hướng với bạn. Như vậy con sẽ không thể cắn hoặc làm bạn bị thương, Fran Walfish, tác giả cuốn The Self-Aware Parent cho biết. Tiếp đó, bình tĩnh nói với con: “Khi con ngừng những hành vi tiêu cực, mẹ mới buông con ra”. Khi bạn thấy con bình tĩnh trở lại, hãy dành cho con những lời khen ngợi.
Hướng dẫn con những điều nên làm
Theo Eileen Kennedy-Moore, tác giả cuốn “What About Me? 12 Ways to Get Your Parents’ Attention Without Hitting Your Sister”, trẻ rất khó lắng nghe những hướng dẫn về việc không làm điều gì đó. Vì thế, thay vì nhắc nhở đứa con 3 tuổi của bạn không đánh nhau, hãy hướng dẫn con làm một hành động gì đó thay thế, chẳng hạn như: “Khi con cảm thấy tức giận và muốn đánh bạn, hãy khoanh tay và siết chặt lại”. Giúp con luyện tập hành động này khi con đang ở trạng thái bình tĩnh, như vậy con sẽ sẵn sàng đối phó với những tình huống căng thẳng không lường trước.
Dành cho con những lời khen
Nhớ khen ngợi con khi con không thể hiện những hành vi tiêu cực. Nếu con chơi yên lành với bạn bè và không hề tranh giành đồ chơi với bạn, hãy khen con và đề cập thẳng tới hành động mà bạn thấy đáng khen.
Dạy con thở sâu
Bạn có thể hướng dẫn con như sau: “Cũng có lúc mẹ cảm thấy mệt mỏi. Những lúc như vậy, mẹ ngồi xuống và hít thở sâu 4 đến 5 lần”. Có thể dạy con một động tác yoga hoặc vươn vai, kéo căng người để con thư giãn.