Mong muốn con em mình có cuộc sống tốt đẹp hơn và một tương lai tươi sáng hơn, nhiều bậc cha mẹ đã cố tránh những sai lầm khi dạy con mà cha mẹ mình từng mắc phải. Tuy nhiên, chúng ta phải tiến hành điều đó một cách thận trọng.
Khi bạn còn là một đứa trẻ, đặc biệt là khi đang ở độ tuổi teen, nếu cha mẹ làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy bất công, chắc hẳn bạn sẽ không ngừng lẩm bẩm: “Mình sẽ không bao giờ làm như vậy khi có con!”. Chúng ta thấy bực dọc, khó chịu và cho rằng bố mẹ quá cổ hủ và hà khắc. Chúng ta nghĩ rằng đáng lẽ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn nhiều …
Thời gian trôi qua, chúng ta dần trưởng thành, dạn dày trong cuộc sống. Rồi chúng ta có con và phải đối mặt với những vấn đề thực tế. Việc nuôi dạy con cái có vẻ không dễ dàng như bạn vẫn tưởng. Bất chợt tất cả những điều bố mẹ bạn từng nói và làm (mà bạn từng cho rằng đó là những điều vô lý) trở nên rất hợp lý. Lúc này, có thể bạn sẽ lo sợ mình mắc lại sai lầm của cha mẹ. Tuy nhiên, để điều đó không trở thành hiện thực, hãy tìm hiểu kỹ và xác định rõ chủ đích của bố mẹ. Bố mẹ từng mong mỏi điều gì ở bạn? Liệu có cách nào khác để biến điều mong mỏi đó thành hiện thực? Liệu đó có phải cách tốt nhất?
Khi tôi còn ở độ tuổi teen, tôi luôn cảm thấy cha chẳng mấy khi hài lòng về mình. Tôi chăm sóc cho các em mà không để xảy ra sự cố gì, tôi học tốt, không chơi bời lêu lổng, không nghiện ngập và cũng không hề có những hành vi nổi loạn mà những đứa trẻ tuổi teen thường làm. Điều này chủ yếu là do cha tôi là một người rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, cho dù tôi làm gì, tôi vẫn không đủ tốt. Tôi bị cha la mắng, chỉ trích và luôn cảm thấy mình kém cỏi. Cha cố nuôi dạy tôi trở thành một người trách nhiệm và độc lập. Ông đã làm được điều đó, nhưng tôi tin rằng vẫn còn cách khác tốt hơn.
Tôi cũng muốn con mình hành xử có trách nhiệm và độc lập như cha tôi từng mong tôi như vậy. Đôi lúc tôi cũng tỏ ra khó khăn, nghiêm khắc, nhưng tôi cố cân bằng tình hình bằng những lời khen mà tôi chưa từng nhận được thời thơ bé. Vậy đấy, bước đầu tiên là nhận rõ sai lầm của cha mẹ, sau đó là tránh mắc phải sai lầm đó. Tuy nhiên, còn một điều quan trọng hơn mà bạn không nên bỏ qua, đó là tránh làm quá trớn.
Cẩn thận bởi nếu đi quá xa, có thể bạn sẽ vướng vào một thái cực khác và mắc phải một loạt sai lầm do chính bản thân mình tự tạo ra. Tôi có một người bạn từng chịu sự kỷ luật nghiêm khắc của cha mẹ khi còn bé, do đó cô ấy đã tự hứa rằng sẽ không đối xử mạnh tay với con cái. Cô ấy đã trở thành một người mẹ tuyệt vời, nhưng lại quá nuông chiều con. Điều đó khiến con cô ấy trở nên bất trị và có cách hành xử sai trái, thiếu tôn trọng người khác.
Nuôi dạy con cái, cũng tựa như bất cứ nhiệm vụ lớn lao nào trong cuộc sống của chúng ta, đều cần sự cân bằng. Đi đôi với việc sửa chữa sai lầm cha mẹ từng mắc phải. bạn cũng nên kết hợp những phương pháp nuôi dạy con cái của cha mẹ mà bạn thấy hiệu quả.